A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bức xúc trước hàng nghìn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang

TP. Hồ Chí Minh có hàng nghìn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang. Trong khi đó, Hà Nội vẫn còn 1.947 số căn hộ trống chưa có quyết định bán nhà.

Hàng nghìn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang

Trình bày báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, tại hội trường Quốc hội sáng 31/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, chưa hiệu quả; sử dụng sai mục đích, lãng phí; sắp xếp chậm, chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài nhiều năm.

Bức xúc trước hàng nghìn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo của Đoàn giám sát

"Nhiều nhà, căn hộ tái định cư chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng" - ông Nguyễn Phú Cường nói, đồng thời dẫn chứng, Hà Nội vẫn còn 1.947 số căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà; 489 căn hộ chưa có phương án bố trí.

TP. Hồ Chí Minh cũng có hàng nghìn căn hộ tái định cư ở các dự án đang bỏ hoang, thưa thớt người ở, 1.274 căn hộ và 1.303 nền đất dùng làm quỹ dự phòng, có gần 5.000 căn hộ và nền đất đang làm thủ tục bán đấu giá. Việc xác định giá trị để giao tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia cho đối tượng quản lý còn rất chậm.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế. Các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, 5/6 quy hoạch vùng, hầu hết quy hoạch cấp tỉnh đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến.

Chỉ tính riêng 7/15 địa phương Đoàn giám sát làm việc có báo cáo đã có 1.739 công trình, dự án được UBND cấp tỉnh phê duyệt, nhưng không triển khai phải hủy bỏ, với tổng diện tích 12.015 ha. Tỷ lệ lấp đầy các khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn thấp.

"Diện tích đất chưa sử dụng, để hoang hóa tại nhiều dự án, nhất là các khu đô thị còn lớn và kéo dài, có dự án kéo dài hàng chục năm" - ông Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.

Nhiều khó khăn, vướng mắc, vi phạm trong quy hoạch xây dựng, cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, giao đất, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép, thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đời sống, sinh kế người dân, gây thất thu ngân sách nhà nước và lãng phí trong sử dụng đất.

Hàng nghìn dự án thuộc đối tượng nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, nhưng chưa quan tâm xử lý, thu hồi.

Sai phạm trong đầu tư, quản lý, sử dụng đất đai gây thất thoát, lãng phí lớn

Ông Nguyễn Phú Cường cho hay, theo báo cáo chưa đầy đủ của 61/63 tỉnh tính đến ngày 31/12/2021, có 908 dự án có khó khăn, vướng mắc với diện tích là 28.155 ha chậm hoặc chưa đưa đất vào sử dụng, nhưng mới xử lý thu hồi đất và chấm dứt hoạt động 172 dự án với diện tích là 6.922 ha; chưa xử lý 404 dự án với diện tích là 18.308 ha. Quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường còn nhiều tồn tại, bất cập, sử dụng không hiệu quả và tiềm ẩn thất thoát lớn nguồn thu ngân sách nhà nước.

Đến tháng 12/2021, vẫn còn 28 địa phương chưa phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp; vẫn còn 305.043 ha diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp có phương án bàn giao về địa phương chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai còn hạn chế. Quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài nguyên nước chưa thật sự bền vững và hiệu quả, còn tình trạng khai thác quá mức, ảnh hưởng lớn đến yếu tố bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Ngoài ra, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra. Cơ cấu tổ chức bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ và một số chính quyền địa phương còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; chồng chéo, chưa hợp lý trong chức năng, nhiệm vụ.

Tinh giản biên chế mới chủ yếu giảm về số lượng, chưa gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Việc quản lý, sử dụng biên chế, thời gian lao động ở nhiều Bộ, ngành, địa phương còn bất cập; cải cách hành chính chưa đạt kết quả như yêu cầu.

Nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, thẩm định giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính công, tài sản công, gây thất thoát, lãng phí rất lớn. Việc triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước còn chậm.

"Tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước phát hiện qua điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa cao. Nhiều vụ việc thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kéo dài nhiều năm, gây thất thoát, lãng phí, ách tắc, cản trở việc đưa các nguồn lực, tài nguyên vào khai thác, sử dụng hiệu quả" - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách thông tin.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết