A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bắt buộc phương tiện lắp thiết bị giám sát hành trình: Cần cân nhắc kỹ hơn!

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Trong đó, quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dân.

Khó bảo đảm tính khả thi

Theo Chính phủ, việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân.

Bắt buộc phương tiện lắp thiết bị giám sát hành trình: Cần cân nhắc kỹ hơn!
Nhiều ý kiến cho rằng, bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới là khó khả thi. Ảnh: VGP

Về điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ, dự thảo Luật quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình.

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, cho rằng việc áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới (gồm cả xe mô tô, xe gắn máy) là rộng và khó bảo đảm tính khả thi, chỉ nên tập trung vào một số loại hình phương tiện, đặc biệt là các phương tiện giao thông vận tải, kinh doanh có điều kiện. Hơn nữa, pháp luật hiện hành chỉ mới quy định xe ô-tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ (gồm cả lái xe) phải lắp camera đảm bảo ghi lại, lưu trữ toàn bộ hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc yêu cầu lắp các thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe vi phạm quyền riêng tư, quyền bảo vệ bí mật đời tư của công dân nên cần cân nhắc quy định này. Khi yêu cầu lắp camera, thiết bị giám sát hành trình sẽ liên quan đến tiêu chuẩn, chất lượng các thiết bị phải được cấp phép và việc lắp các thiết bị này sẽ phải can thiệp vào hệ thống điện của xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng, việc yêu cầu lắp các thiết bị trên sẽ tạo gánh nặng về kinh tế cho người dân; có ý kiến đề nghị cần có quy định miễn trừ lắp các thiết bị này đối với xe quân sự, xe do Bộ Quốc phòng quản lý.

Bên cạnh luồng ý kiến trên, một số ý kiến nhất trí với quy định trên, vì cho rằng việc lắp camera giám sát hành trình cho xe cơ giới sẽ hỗ trợ cho việc lái xe an toàn cũng như tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông. Tuy nhiên, do nội dung dữ liệu có liên quan đến quyền riêng tư, quyền bảo vệ bí mật đời tư của công dân nên đề nghị không chuyển các dữ liệu này về trung tâm chỉ huy giao thông, chỉ trích xuất khi có yêu cầu hoặc khi giải quyết vấn đề pháp lý liên quan đến tai nạn giao thông.

Đồng thời, có ý kiến cho rằng, nội dung khoản 5 có liên quan đến việc hạn chế quyền công dân, đề nghị quy định các nguyên tắc cơ bản về điều kiện, phạm vi hoạt động của xe thô sơ và các loại phương tiện giao thông khác, sau đó giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể cho phù hợp với đặc thù giao thông của địa phương.

Chi phí xã hội bỏ ra rất lớn

Mới đây, thảo luận tại tổ về dự án Luật này, đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Đoàn tỉnh Nghệ An) đề nghị cân nhắc nội dung trên, vì nếu thực hiện gắn thiết bị hành trình giám sát với tất cả các xe cơ giới thì chi phí xã hội bỏ ra rất lớn. Mặt khác, quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của cá nhân có gắn giám sát hành trình, ảnh hưởng đến quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân. Do vậy, chỉ nên cân nhắc gắn thiết bị giám sát hành trình với xe kinh doanh dịch vụ.

Cũng theo đại biểu, cùng với xây dựng hệ thống giám sát giao thông, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tập trung lấy dữ liệu vào đối tượng tuân thủ quy định về trật tự an toàn giao thông, dự thảo Luật Đường bộ tập trung giám sát hệ thống đường bộ. Tuy nhiên, hai dự thảo Luật đều có cùng phương tiện và cách thức lấy dữ liệu; đối tượng giám sát đều là con người vận hành tham gia giao thông, các phương tiện giao thông và hệ thống giao thông đường bộ. Vì vậy, nếu không quy định rõ, thì một địa điểm sẽ có hai hệ thống cùng theo dõi, gây ra sự lãng phí, cần cân nhắc, phối hợp dùng chung hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu bên nào cần thì lấy riêng.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn thành phố Hải Phòng) cho rằng, quy định này chưa phù hợp với thực tế và có phạm vi tác động khá rộng. Do đó, đại biểu đề nghị chỉ quy định gắn thiết bị giám sát hành trình đối với xe kinh doanh vận tải như quy định hiện hành và quy định cụ thể về trung tâm tích hợp phân tích dữ liệu để quản lý và sử dụng hiệu quả hơn, tránh lãng phí. Đối với xe ô tô cá nhân, đề nghị quy định theo hướng khuyến khích lắp đặt.

Cho rằng cần thiết phải có quy định về thiết bị giám sát hành trình để bảo đảm quản lý, nhưng đại biểu Vũ Thanh Chương (Đoàn thành phố Hải Phòng) cũng đề nghị không nên quy định bắt buộc đối với tất cả các phương tiện bởi khó khả thi và việc yêu cầu lắp các thiết bị trên sẽ tạo gánh nặng về kinh tế cho người dân. Do đó, cần giữ quy định như hiện hành là bắt buộc lắp camera hành trình đối với xe kinh doanh vận tải, xe chở khách, còn các phương tiện khác thì nên quy định khuyến khích.

Bổ sung quy định về thời gian lái xe tối đa

Về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ, qua thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định về thời gian lái xe tối đa đối với người lái xe không kinh doanh vận tải. Có ý kiến cho rằng, việc phân định thời gian lái xe liên tục trong 2 khung giờ khác nhau như dự thảo Luật là chưa thực sự phù hợp.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị kế thừa quy định tại Điều 65 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ”, vì cho rằng, nếu rút tổng thời gian lái xe trong một ngày còn 480 phút (8 giờ) và thời gian lái xe liên tục không quá 180 phút (3 giờ) trong khung giờ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng sẽ làm tăng chi phí logistic, chi phí lao động của doanh nghiệp, giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đối với các thị trường khác.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết