Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo động nhiễm HIV/AIDS có xu hướng trẻ hóa

Tại Việt Nam, HIV/AIDS đang có diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng, nhiễm nhiều nhất ở nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và không an toàn. Liên quan tới vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã có chia sẻ thông tin với báo chí.

PV: Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2023?

PGS.TS Phan Thị Thu Hương:

Báo động nhiễm HIV/AIDS có xu hướng trẻ hóa

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Năm 2023 là giai đoạn sau đại dịch Covid-19, có rất nhiều sự thay đổi trong cảhệ thống ngành Y tế. Chính vì vậy công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng gặp không ít khó khăn, khi quay trở lại để triển khai hàng loạt dịch vụ từ xét nghiệm, tự xét nghiệm tại cộng đồng, hay tiếp nối các hoạt động của dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS và kết nối người nhiễm với công tác chăm sóc và điều trị…

Thời gian qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đưa ra nhiều văn bản, hướng dẫn kịp thời và tăng cường tổ chức đào tạo đặc biệt với những tỉnh, thành phố có cán bộ mới… làm sao để những hoạt động đó không bị gián đoạn và liên tục được duy trì, bao phủ được các dịch vụ, tránh được những khó khăn như trong giai đoạn của dịch Covid-19.

Bởi vậy sau 9 tháng đầu năm, và cả những tháng vừa qua công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả. Đến thời điểm này, Cục Phòng chống HIV/AIDS đã phát hiện được khoảng 10 - 11 nghìn trường hợp nhiễm HIV/AIDS mới. Báo cáo phát hiện, 80% trong số họ là nam giới, trong đó 50% những người được phát hiện bị nhiễm HIV đã có thể tự công khai về nguy cơ lây nhiễm bệnh của mình là do quan hệ đồng giới nam.

Có một đặc thù hơn nữa là có một số mô hình kỹ thuật mới mà tổ chức CDC Hoa Kỳ hỗ trợ cho Việt Nam, cũng như sự hỗ trợ về tài chính của Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đã mở rộng thêm ở số tỉnh, thành phố. Với những mô hình này, đã mở rộng thêm dịch vụ giúp phát hiện thêm được những người nhiễm HIV mới.

Nhưng điều khiến tôi quan ngại, lo lắng là tình trạng trẻ hóa nhóm đối tượng những người nhiễm HIV. Tình trạng lây nhiễm HIV trong giới trẻ đang gia tăng ở nhóm đối tượng trẻ vị thành niên, học sinh cấp 3. Và những đối tượng này cho biết, họ có quan hệ tình dục đồng giới hoặc từng sử dụng ma túy tổng hợp… đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV.

PV: Công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên thực tế hoạt động phòng, chống HIV/AIDS còn phải đối mặt với những khó khăn gì, thưa bà?

PGS.TS Phan Thị Thu Hương:

Nếu nhắc tới khó khăn, là khó khăn chung của cả ngành Y tế, và đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS thì không thể nào tránh được. Đầu tiên đó là thiếu về nguồn lực, thiếu về nhân lực. Đơn cử, do sự luân chuyển cán bộ, nên khi triển khai chương trình việc, việc tuyển dụng, đào tạo thêm nhân lực mới mất nhiều thời gian. Đặc biệt, với công tác phòng, chống HIV/AIDS phải hỗ trợ cho những nhóm nguy cơ cao, thì không phải ai cũng sẵn lòng để hỗ trợ. Chính vì vậy, đây là một trong những điểm khó cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Đồng thời, công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS còn gặp khó khăn về mặt cung ứng sinh phẩm, thuốc sau đại dịch Covid-19. Nhất là với những sinh phẩm, dịch vụ mang tính chất cung ứng liên tục. Trong thời gian vừa qua, Cục phòng, chống HIV/AIDS đã rất nỗ lực cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các nhà tài trợ làm sao để đảm bảo phân phối các nguồn cung ứng sinh phẩm kịp thời và không bị gián đoạn thuốc cho người bệnh.

Báo động nhiễm HIV/AIDS có xu hướng trẻ hóa

Bác sĩ thăm, khám cho bệnh nhân HIV.

Bởi với những bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV - thuốc kháng HIV, chỉ cần bị gián đoạn thuốc trong vòng trên 2 tuần, thì có thể phải chuyển đổi phác đồ điều trị mới (phác đồ điều trị bậc 2). Trong khi đó, phác đồ điều trị bậc 2 sẽ đắt gấp 10 lần so với phác đồ điều trị bậc 1 thông thường. Hoặc nếu phác đồ điều trị bậc 2 bị gián đoạn, người bệnh bị kháng thuốc trong phác đồ điều trị này, thì sẽ tiếp tục bị chuyển phác đồ điều trị bậc 3, trong khi phác đồ điều trị bậc 3 Việt Nam chưa có… điều đó sẽ gây nguy hiểm, thậm chí là tử vong cho bệnh nhân.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Cục phòng, chống HIV/AIDS vẫn đồng hành cùng với các tỉnh, thành phố, nỗ lực hoạt động sau đại dịch Covid-19. Bước đầu Cục và các đơn vị đang trở lại triển khai những hoạt động khá bài bản như trước đây và sẽ giảm dần nguy cơ lây nhiễm ở các tỉnh, thành phố trong thời gian tới.

PV: Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 lựa chọn chủ đề: “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2023". Vậy xin bà cho biết chủ đề này có ý nghĩa như thế nào với tình hình dịch thực tế ở Việt Nam? Và các hoạt động để thực hiện mục tiêu?

PGS.TS Phan Thị Thu Hương:

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 có chủ đề “Chấm dứt đại dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng”, bởi năm trước nhóm đối tượng mắc HIV ở lứa tuổi thanh niên rất nhiều. Năm nay, chúng tôi muốn thay đổi là cộng đồng sáng tạo, vì nhiều mô hình phòng, chống dịch HIV/AIDS xuất phát từ cộng đồng họ đã giới thiệu, giúp chúng tôi đúc kết được kinh nghiệm và nhân rộng được mô hình đó ra cho những tỉnh, thành phố khác.

Cục cũng mong muốn huy động hơn nữa sự tham gia của các nhóm cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch HIV/AIDS. Và các mô hình ở cộng đồng nếu như không tham gia vào công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, mà chỉ dựa trên hệ thống y tế sẵn có thì không thể thành công được. Và hiện chỉ còn có 7 năm nữa là chúng ta tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch AIDS (2030). Nếu không huy động được sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng, thì khó có thể kiểm soát được dịch.

Chính vì vậy năm nay chúng tôi đã chọn cộng đồng như điểm mấu chốt để có thể mở rộng nhanh các dịch vụ, đưa ra được nhiều sáng kiến, ứng dụng kết nối các dịch vụ đó và phát hiện được nhiều người HIV hơn, thì sẽ ngăn chặn dịch được tốt hơn.

Xin chân thành cảm ơn PGS.TS!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết