Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ăn đồ tái, sống coi chừng ký sinh trùng

Thời gian gần đây, nhiều bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho các ca bệnh bị ký sinh trùng “tấn công” do thói quen sinh hoạt, ăn thực phẩm tái, sống. Theo các chuyên gia y tế, quan niệm ăn đồ tái, sống để giữ được dinh dưỡng, độ ngon ngọt của thức ăn là sai lầm, thậm chí có thể gánh nhiều rủi ro cho sức khỏe.

Tràn khí màng phổi vì ăn gỏi cua sống

Đơn cử, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều ca bệnh nhập viện do ăn gỏi cá, tôm sống, tiết canh... Điển hình như trường hợp bệnh nhân nam (57 tuổi, ở Hòa Bình) bị sán lá gan chui vào đường mật do ăn gỏi cá. Theo đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng, sốt, vàng da, mệt mỏi, nước tiểu sẫm màu. Sau khi được khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán mắc sán lá gan nhỏ.

Ăn đồ tái, sống coi chừng ký sinh trùng
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân bị tràn khí màng phổi do ăn gỏi cua sống.

Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân hay ăn gỏi cá, khoảng một tháng nay, người bệnh xuất hiện tình trạng ngày càng nặng lên, mặc dù đi khám ở nhiều nơi nhưng không phát hiện ra bệnh. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, qua các chẩn đoán từ tuyến dưới, bệnh nhân đã được chụp cắt lớp ổ bụng và phát hiện giãn đường mật trong gan và được chẩn đoán theo dõi u đường mật.

Sau khi được chẩn đoán u đường mật gây tắc mật, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai và đã được tiến hành đặt ống dẫn lưu đường mật. Tuy nhiên, sau đó, các bác sĩ phát hiện thấy nhiều con sán lá gan trưởng thành kích thước khoảng 0,5 - 1cm chui ra theo ống dẫn lưu ra ngoài, kèm theo xét nghiệm phân thấy được trứng sán. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định nhiễm sán lá gan nhỏ ký sinh ở gan gây ra tắc, nhiễm trùng đường mật, từ đó, vi trùng chui vào máu gây ra nhiễm trùng máu kèm theo, nên rất dễ chẩn đoán nhầm với nhiễm trùng máu hoặc ung thư đường mật.

Phó Giáo sư Đỗ Duy Cường nhấn mạnh, đây là một trường hợp hy hữu ở Việt Nam cũng như trên thế giới vì để chẩn đoán sán lá gan nhỏ thường phát hiện khó khăn, phải nhờ vào đặt ống sonde hút dịch tá tràng để xét nghiệm mới tìm thấy trứng sán. Thực tế, chưa bao giờ thấy có nhiều sán trưởng thành chui ra từ đường dẫn lưu mật cũng như trứng sán lá gan nhỏ phát hiện ở trong phân như vậy.

Tương tự, trước đó, Trung tâm cũng điều trị một bệnh nhân bị nhiễm sán lá phổi do ăn món gỏi cua sống. Bệnh nhân 31 tuổi, người dân tộc Thái ở Điện Biên nhập viện trong tình trạng tràn dịch, tràn khí màng phổi. Sau khi làm các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với loại Paragonimus - sán lá phổi. Theo lời bệnh nhân trước khi vào viện khoảng một tháng, bệnh nhân lên chơi nhà bạn ở Lai Châu và có ăn món gỏi cua sống. Sau vài tuần, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, sút cân, buồn nôn, khi hoạt động gắng sức cảm thấy bị khó thở, đuối sức và ho. Bệnh nhân có đi khám nhưng không tìm ra bệnh.

Khi được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, với kinh nghiệm nghề nghiệp, các bác sĩ đã cho chỉ định tìm sán và kết quả đúng như dự đoán, bệnh nhân dương tính với sán lá phổi. Bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc tẩy sán và chỉ sau vài ngày nằm viện bệnh nhân đã được xuất viện.

Nên “ăn chín, uống sôi”

Theo Phó Giáo sư Đỗ Duy Cường: Sán lá phổi là bệnh do ký sinh trùng Paragonimus westermani gây ra có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường hay gặp ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La,… là những địa phương có tập quán ăn món tôm, cua sống, hoặc ăn gỏi, nướng chưa chín.

Ấu trùng sán lá phổi sau khi vào cơ thể người theo đường ăn uống, sẽ xâm nhập qua thành ruột non, vào khoang bụng. Sau đó xuyên qua cơ hoành đi lên phổi và tồn tại ở nhu mô phổi. Sán lá phổi trưởng thành sẽ đẻ trứng và trứng theo đờm ra ngoài hoặc người nuốt đờm trứng sẽ xuống đường tiêu hóa để ra ngoài theo phân. Trứng rơi xuống nước, sau đó trứng nở thành ấu trùng lông, ấu trùng sẽ xâm nhập vào ốc rồi ký sinh ở cua và tôm. Một thời gian sau, bệnh nhân sẽ bị đau ngực, ho kéo dài, ho ra cả đờm lẫn máu, sút cân và dẫn đến suy kiệt, thậm chí tử vong.

Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới Đỗ Duy Cường nhấn mạnh: Vì ho ra máu, ho tức ngực nên rất nhiều chẩn đoán bệnh sán lá phổi nhầm sang các loại bệnh khác như lao, viêm phổi, hay u phổi. Bởi vậy, Phó Giáo sư Đỗ Duy Cường khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người dân ở vùng núi, nên “ăn chín uống sôi”, không ăn đồ sống, nhất là gỏi tôm, gỏi cua...

Bên cạnh đó, người dân nên định kỳ tẩy giun để bảo vệ sức khỏe, bởi thời tiết nhiệt đới ở Việt Nam là điều kiện thuận lợi để ký sinh trùng phát triển. Nếu xuất hiện các triệu chứng như ho kéo dài, khó thở, ho, đau ngực cũng cần làm thêm các chỉ định tìm sán, để tránh nhầm lẫn sang với các bệnh phổi khác.

Cùng với gỏi cá, gỏi cua, hiện nhiều người có sở thích ăn thực phẩm tái, sống như: Nem tái, thịt bò tái, bò tái chanh, nem chua, tiết canh... Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, đồ ăn tái, sống tiềm ẩn nguy cơ tới sức khỏe, nhất là các bệnh liên quan tới ký sinh trùng. Đặc biệt, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương… đã ghi nhận nhiều trường hợp bị liên cầu lợn do ăn tiết canh, thậm chí đã có trường hợp tử vong.

Các chuyên gia y tế cũng lo ngại, các bệnh về ký sinh trùng thường hay bị bỏ qua ở các bệnh viện tuyến dưới. Khi điều trị dài ngày không khỏi mới nghĩ đến khả năng bị nhiễm ký sinh trùng. Bởi vậy, các bác sĩ tuyến cơ sở cũng cần phải được tập huấn, lưu ý bệnh sử, tiền sử và làm thêm các xét nghiệm khẳng định sán để chẩn đoán và sử dụng thuốc theo đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết