Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Yên Bái ‘mở lối’ cho hàng hóa vùng cao vươn xa

Là tỉnh miền núi phía Bắc với hơn 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Yên Bái đã không ngừng nỗ lực trong việc hỗ trợ bà con sản xuất và tiêu thụ hàng hoá.

Liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi

Những năm vừa qua, Đảng uỷ, UBND tỉnh Yên Bái luôn chú trọng phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, đặc biệt là thông qua việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương. Với quyết tâm đó, tỉnh đã từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp manh mún sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu thị trường… Không chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa, sản phẩm nông - lâm nghiệp của nông dân Yên Bái vượt ra ngoài tỉnh và vươn ra thị trương thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Anh Quốc...

Yên Bái ‘mở lối’ cho hàng hóa vùng cao vươn xa
Không chỉ khẳng định thương hiệu ở thị trường nội địa, nhiều sản phẩm Yên Bái đã được xuất khẩu ra nước ngoài (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Yên Bái)

Một trong những giải pháp trọng tâm mà tỉnh Yên Bái triển khai là xây dựng chuỗi liên kết, kết nối tiêu thụ sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đơn cử, HTX Suối Giàng đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, đầu tư thiết bị hiện đại với công suất đạt 2 tấn chè búp tươi/ngày, đồng thời liên kết với một số chuyên gia trong ngành chè cùng đào tạo thành viên, người lao động..., trở thành một trong những đơn vị có nhà xưởng đạt tiêu chuẩn HACCP; vùng nguyên liệu đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, cây chè đã được đánh số truy xuất nguồn gốc vùng trồng. Năm 2019, sản phẩm chè Tuyết Sơn Trà của HTX Suối Giàng là sản phẩm đầu tiên của huyện Văn Chấn được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.

Việc phát triển bền vững từ chuỗi liên kết cũng là cách để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã lựa chọn nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường, đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Với quan điểm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước đưa tỉnh Yên Bái thành một trong những tỉnh trọng điểm trong khu vực miền núi phía Bắc về sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất trên địa bàn tỉnh thực hiện công tác xúc tiến đưa các sản phẩm thế mạnh ra thị trường trong và ngoài nước; thu hút, liên kết với các doanh nghiệp có tiềm lực để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân.

Từ đó, bước đầu đã có các doanh nghiệp, công ty đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện liên kết theo chuỗi và bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như: Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái; Công ty cổ phần Giống rau hoa quả Trung ương đầu tư hỗ trợ phát triển cây lê VH6 tại huyện Mù Cang Chải, liên kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho gần 300 hộ nông dân; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản T9 thực hiện phát triển, liên kết bao tiêu sản phẩm xoài, ớt trên địa bàn các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình, Trấn Yên, thị xã Nghĩa Lộ…

Bên cạnh đó, địa phương cũng nỗ lực kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội chợ thương mại, các sàn thương mại điện tử. Qua đó, nhiều sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số đã có cơ hội tiếp cận với thị trường rộng lớn hơn. Nhằm đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm nông sản, tỉnh Yên Bái đã khuyến khích mô hình liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn như VinEco, Công ty cổ phần Thực phẩm sạch Việt Nam... đã ký kết hợp tác tiêu thụ nông sản với bà con dân tộc thiểu số, giúp sản phẩm được đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên cả nước.

Bên cạnh đó, việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cũng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường. Nhờ đó, nhiều sản phẩm nông sản của Yên Bái không chỉ tiêu thụ tốt trong nước mà còn từng bước tiếp cận thị trường quốc tế.

Yên Bái ‘mở lối’ cho hàng hóa vùng cao vươn xa
Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thế mạnh (Ảnh: Thiên Anh)

Trong bối cảnh chuyển đổi số, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm nông sản đặc trưng được đưa lên sàn thương mại điện tử như nongsan.buudien.vn, Sendo... giúp bà con dân tộc thiểu số có thêm kênh tiêu thụ hiệu quả. Ngoài ra, các chương trình tập huấn về kỹ năng kinh doanh online, đóng gói, xây dựng thương hiệu cũng được tổ chức thường xuyên, giúp người dân tiếp cận với phương thức bán hàng hiện đại, nâng cao giá trị sản phẩm.

Nỗ lực xây dựng kênh phân phối

Bên cạnh các giải pháp kết nối chuỗi sản xuất, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con dân tộc thiểu số trong việc tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Yên Bái đã đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống chợ truyền thống, chợ phiên tại các địa phương vùng cao. Các chợ này không chỉ là nơi giao thương buôn bán mà còn là điểm kết nối văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng quy hoạch và phát triển chợ đầu mối nhằm tập trung, phân phối các sản phẩm nông sản đến các thị trường lớn. Nhờ có các chợ đầu mối, sản phẩm của bà con không còn phụ thuộc vào thương lái mà có thể bán với giá cả ổn định hơn, đảm bảo đầu ra bền vững.

Là cửa hàng tự chọn lớn nhất huyện Trấn Yên, qua 11 năm hoạt động, Cửa hàng Công Nhung ở thôn 3 xã Đào Thịnh đã gây dựng được một hệ thống phân phối hàng hóa với trên 30 đại lý trên toàn huyện. Ông Nguyễn Tiến Công - chủ cửa hàng cho biết, muốn phát triển mạnh, bền vững thì mình phải đầu tư một hệ thống đại lý chuyên nghiệp đến tận các thôn. Hàng hóa cũng phải phong phú, bảo đảm về giá cả cũng như chất lượng để phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Yên Bái ‘mở lối’ cho hàng hóa vùng cao vươn xa
Yên Bái sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm (Ảnh: Công Minh)

Để tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho bà con dân tộc thiểu số, Yên Bái đặt mục tiêu phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ người dân về vốn, đào tạo kỹ năng kinh doanh và kết nối với các đơn vị tiêu thụ lớn.

Với những giải pháp đồng bộ và hiệu quả, Yên Bái không chỉ giúp bà con dân tộc thiểu số tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn mà còn tạo tiền đề phát triển kinh tế bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân vùng cao.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...