Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Đến nay cơ bản 98/98 xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn nông thôn mới 100% so với Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025

Chiều ngày 8/2, tại thành phố Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2022; triển khai nhiệm vụ 2023 -2025.

Đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận

Theo báo cáo tại hội nghị, đến nay cơ bản 98/98 xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn nông thôn mới 100% so với Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025; 54/98 chiếm 55,1% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 26/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 7/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%; 6/6 thành phố, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 02 huyện đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025...Đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản đạt 7/8 nội dung theo bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản đạt 7/8 nội dung theo bộ tiêu chí quốc gia tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đến hết năm 2020, tiêu chí về hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, cơ sở hạ tầng trang thiết bị y tế đã hoàn thành. Từ năm 2021, tỉnh tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng động lực với vùng khó khăn, gắn kết với các trung tâm kinh tế, trung tâm đô thị, các vùng động lực, khu kinh tế, khu công nghiệp nhằm thúc đẩy vùng phát triển nhanh bền vững; tiếp tục đầu tư, nâng cấp công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai, hạ tầng điện, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở vật chất giáo dục đào tạo, cơ sở hạ tầng trang thiết bị y tế.

Tỉnh tập trung chỉ đạo cơ cấu lại ngành nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; Kinh tế tập thể được tập trung phát triển về số lượng, chất lượng; việc triển khai liên kết chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP được mở rộng, đã phát triển 40 chuỗi liên kết và có nhiều mô hình sản xuất VietGAP, ứng dụng công nghệ cao; tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt gần 4%/năm. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên đưa chỉ tiêu trồng rừng cây Lim, Giổi, Lát trong Nghị quyết của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh, năm 2022 đã thực hiện trồng Lim, Giổi, Lát 2.150 ha, vượt 7,5% so với mục tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Tỉnh ủy.

Chương trình OCOP đã khẳng định nét riêng có của Quảng Ninh, là hướng đi đúng góp phần nâng cao giá trị gia tăng của nông sản; Chương trình OCOP của Quảng Ninh đã được Trung ương đánh giá cao, được Chính phủ thành lập ban chỉ đạo quốc gia về chương chình này và khuyến khích nhân rộng ra toàn quốc. Đến nay, toàn tỉnh đã có 566 sản phẩm tham gia chương trình OCOP; đã có 336 sản phẩm đạt từ 3-5 sao trong đó có 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia. Công tác xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP được tỉnh quan tâm thực hiện thông qua các hội chợ nông sản, hội trợ OCOP, và sàn thương mại điện tử.

Với các giải pháp thực hiện giảm nghèo trong thời gian qua tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh Quảng Ninh từ 7,68% đầu năm 2011, đến hết năm 2022, toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,067% tổng số hộ dân toàn tỉnh; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635% tổng số hộ dân toàn tỉnh đứng thứ 4. Tuy nhiên, Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 về sửa đổi, bổ sung quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh do đó đã không còn hộ nghèo theo quy định của Trung ương.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2022 vẫn còn một số hạn chế như: công tác chỉ đạo, điều hành ở một số cấp ủy chưa thực sự quyết liệt; kết quả xây dựng nông thôn mới trong tỉnh có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương; một số vùng khó khăn chưa thật sự bền vững; Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, việc liên kết trong sản xuất chưa nhiều, sản phẩm OCOP ít và chưa ổn định; khâu bảo quản, chế biến sâu chưa phát triển. Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp còn thấp, chưa được quan tâm củng cố về tổ chức, năng lực quản trị. Cơ chế chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã cơ bản đầy đủ nhưng chưa hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.

Phấn đấu tăng gấp đôi thu nhập cho người dân nông thôn

Trong năm 2023 – 2025, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu mục tiêu: 5/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 03 huyện so với năm 2022: Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà); 58/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 04 xã so với năm 2022); 32/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 06 xã so với năm 2022); Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 2,0 lần so với năm 2020 (tương đương 92,2 triệu đồng/người/năm), phát triển thêm ít nhất 10 sản phẩm OCOP Quảng Ninh tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia; phát triển mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế/năm tham gia chương trình; đảm bảo 100% sản phẩm OCOP (trừ các sản phẩm thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch) được dán tem điện tử hoặc có mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc

Đồng thời, tỉnh sẽ nghiên cứu các cáo cơ quan có thẩm quyền nâng mức chuẩn nghèo và cận nghèo của Tỉnh giai đoạn 2023-2025: Khu vực thành thị đối với hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.800.000 đồng và Khu vực nông thôn có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.300.000 đồng.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ninh sẽ thực hiện Tập trung triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược trong xây dựng nông thôn mới: Chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội đảm bảo kết nối chặt chẽ với thành thị và nông thôn, nội vùng, liên vùng, đồng bộ, hiện đại; Tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn gắn với tạo việc làm theo nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp; Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền cơ sở ...

Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững với mục tiêu cốt lõi là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân

Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; phát triển sản phẩm OCOP theo quy hoạch vùng sản xuất tập trung gắn giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị; Nâng cao chất lượng y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; chất lượng các dịch vụ y tế, bảo đảm người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; Tiếp tục triển khai Chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, bãi ngang ven biển và hải đảo...

Phát biểu tại Hội nghị, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững với mục tiêu cốt lõi là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng nông thôn mới chủ thể cũng là người dân, do vậy đây là việc phải làm thường xuyên, liên tục và lâu dài với mục tiêu cụ thể hàng năm phải đổi mới cách nghĩ, cách làm và vận động nhân dân chủ động, tự giác tham gia làm để thay đổi chất lượng cuộc sống của mình mới là điều cốt lõi;

Quảng Ninh là tỉnh miền núi, biên giới có 86/98 xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, bãi ngang, hải đảo; có 8/13 đơn vị cấp huyện thuộc miền núi, biên giới nhưng phải thực hiện theo Bộ tiêu chí nông thôn mới áp dụng cho các tỉnh khu vực đồng bằng Sông Hồng, với tiêu chuẩn cao nhất cả nước. Do vậy đòi hỏi sự quyết tâm chính trị rất cao của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia của người dân và quyết tâm cao thực hiện thành công các mục tiêu đến năm 2025.

Tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc ghi nhận kết quả tỉnh Quảng Ninh đã đạt được

Phát biểu tại hội nghị, ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc đánh giá cao kết quả tỉnh Quảng Ninh đã đạt được trong thời gian qua. Nổi bật là các nghị quyết, chuyên đề chuyên sâu, tập trung, các cơ chế chính sách phù hợp từng vùng, từng địa bàn, phù hợp nguyện vọng người dân. Kết quả đã minh chứng Quảng Ninh có nhiều mô hình hay được trung ương, các tỉnh ghi nhận, đến học tập trong xây dựng NTM. Trong giảm nghèo bền vững, tỷ lệ giảm nghèo của tỉnh thời gian qua ấn tượng, hiện còn chưa đầy 1%. Đây là sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của tỉnh Quảng Ninh.

Tại hội nghị đại diện các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững năm 2022 đã được vinh danh, khen thưởng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết