Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thăng trầm làng đúc đồng trăm tuổi

Nghề đúc lư đồng xuất hiện ở Sài Gòn từ thế kỷ thứ XVIII, do hai nghệ nhân sau khi học nghề ở phủ Thừa Thiên đã đem về truyền dạy tại Phú Lâm, rồi chuyển tới làng An Hội (Gò Vấp). Một thời vàng son đã qua, giờ đây chỉ còn lại 4 hộ vẫn tiếp nối truyền thống, bền bỉ giữ lửa trao truyền cho con cháu.

Thờ tổ tiên, ông bà vốn được biết đến là phong tục truyền thống của người Việt bao đời nay. Đứng trước bàn thờ tổ tiên, thẳm sâu trong tâm thức con người ai ai cũng hướng về cội nguồn với lòng biết ơn, thành kính...

Tại không gian thờ cúng, lư hương đồng luôn được đặt vị trí nghiêm trang nhất. Và từ khoảng 200 năm trước, đã có những nơi trên mảnh đất Sài Gòn - Gia Định với những tiếng gõ leng keng, tiếng máy khò lửa và ánh sáng từ lò nung đỏ rực đêm ngày để cho ra đời những chiếc lư đồng tinh xảo, trứ danh.

Vàng son đã qua, tiếp nối và giữ nghiệp đúc đồng đến ngày nay chỉ còn làng lư đồng An Hội (quận Gò Vấp), với vỏn vẹn 4 hộ gia đình.

Thăng trầm làng đúc đồng trăm tuổi

Thà chịu khổ chứ không buông bỏ

Chú Trần Minh Toàn, chủ cơ sở đúc đồng Năm Toàn chia sẻ, từ năm 12 tuổi, chú đã bắt đầu học nghề này từ cha mình, đến nay cũng đã ngót nghét qua hơn 5 thập kỷ vui buồn với nghề.

Chú Toàn bắt đầu câu chuyện về làng nghề của mình từ một thời vàng son, cái thời trước giải phóng (năm 1975) khi hàng chục hộ và hàng trăm nghệ nhân cùng nhau làm. Người này truyền cho người kia, ai ai cũng theo nghề với niềm vui phơi phới. Ấy vậy mà theo nỗi buồn của thời gian, sự thăng trầm của biết bao đổi thay, từ con số mấy chục, giờ chỉ vỏn vẹn còn 4 cơ sở tồn tại với nghề này.

Chú Toàn ngậm ngùi cho biết, thực tế để làm xưởng sản xuất lư đồng thì cần một diện tích rất lớn. Giá đất ở đây lại tăng cao, cộng thêm việc nhiều lớp trẻ không theo nghề truyền thống của gia đình, lớp nghệ nhân cũ thì tuổi đã cao nên cứ thế bỏ và ra đi…

Chú Năm Toàn cẩn thận kiểm tra từng bộ phận của lư đồng
Chú Năm Toàn cẩn thận kiểm tra từng bộ phận của lư đồng

Chú Toàn cũng hoàn toàn có thể lựa chọn như vậy. Bán mảnh đất đang làm xưởng để thu về một khoản vốn lớn, đủ làm nhiều công việc khác, đỡ cực nhọc sáng tối, chẳng cần phải cặm cụi kì công tạo ra từng chiếc lư đồng bằng chính đôi bàn tay của mình đã chai sần, đen đúa.

Nhưng làm sao người nghệ nhân có thể quay lưng với cái nghề đã được học, được sống với nó từ khi còn tấm bé, đến khi đã qua hơn nửa đời người vẫn còn nặng tình đến thế?

Đối với chú Toàn, nghề đúc lư đồng dường như đã ngấm vào máu thịt, là tâm huyết được trao truyền qua bao thế hệ, không thể nói bỏ là bỏ được. Chẳng thế mà, hiện tại người con trai cả của chú cũng đang nối nghiệp gia đình, vẫn miệt mài trong xưởng ngày đêm.

Tiếp nối dòng cảm xúc tự hào, cô Năm (vợ chú Toàn), cũng là “con nhà nòi” khi bên nhà ngoại cô cũng theo nghề đúc đồng này từ xưa. Từ ngày nên vợ nên chồng, cô cùng chú trực tiếp xuống xưởng tham gia vào mọi công đoạn, lúc hưng thịnh hay buổi khó khăn đều giữ những bàn tay vun đắp.

Cô Năm Toàn đang thực hiện công đoạn làm khuôn
Cô Năm Toàn đang thực hiện công đoạn làm khuôn

Cô Năm kể, xưởng cô chú đón tiếp nhiều các bạn trẻ, rồi các đoàn khách du lịch nước ngoài đến thăm. Họ rất tò mò và thích thú các công đoạn để tạo nên một chiếc lư đồng hoàn chỉnh. Điều đó cho thấy vẫn còn rất nhiều người quan tâm và dành tình yêu đặc biệt cho các làng nghề thủ công truyền thống.

“Trời nắng phơi khuôn còn chóng xong, chứ trời mưa có khi đợi cả 4, 5 ngày mới được, nếu không nó bị trũng là phải làm lại từ đầu đó”, cô Năm chia sẻ về một trong những cái khó để cho ra lò chiếc lư đồng hoàn chỉnh.

Thăng trầm làng đúc đồng trăm tuổi

Vào dịp Tết, các lò đúc đồng An Hội trở nên nhộn nhịp hơn để tất bật chuẩn bị cho những bộ lư mới ra lò, sau đó sẽ được đưa ra các đại lý ở Chợ Lớn để đi khắp các tỉnh Nam Bộ.

Khác biệt bởi cái tâm, cái hồn

Ngày về làm dâu ở làng lư đồng An Hội, cô Phạm Thị Liên (63 tuổi, chủ lò lư Ba Cồ) đã có cơ hội hiểu thêm nghề bên nhà chồng. Năm 29 tuổi, cô và “ông xã” chính thức được truyền nghề từ ba chồng, cùng niềm hy vọng về sự nối nghiệp, phát huy truyền thống làng nghề nói chung và của gia đình nói riêng.

Nhờ thế mà lò nung của cơ sở Ba Cồ vẫn luôn hôi hổi lửa để cho ra những chiếc lư đồng thủ công đặc sắc, tinh xảo. Cho đến khi biến cố xảy ra, chồng cô Liên mất. Cô vẫn không từ bỏ mà tiếp tục cùng 2 con trai duy trì hoạt động của cơ sở. Hay nói đúng hơn, sự nối nghiệp của 2 người con trai là động lực lớn để cô tiếp tục theo nghề này.

Cô Liên chia sẻ, đặc thù của ngành nghề thủ công phải kể đến những nghệ nhân - những người phải gắn bó rất lâu và là những tay thợ lành nghề với hàng chục năm kinh nghiệm.

Để chạm khắc hoa văn trên lư đồng cần những đôi bàn tay khéo léo, tỉ mẩn của người thợ
Để chạm khắc hoa văn trên lư đồng cần những đôi bàn tay khéo léo, tỉ mẩn của người thợ

Với sự phát triển của công nghiệp, máy móc hiện đại, làng nghề truyền thống đúc lư đồng có phần “lép vế” về tốc độ thành phẩm. Các lò lư truyền thống thường mất đến gần 1 tháng mới hoàn thành được đợt lư đồng mới, trong khi các cơ sở công nghiệp chỉ mất thời gian khoảng vài ngày là có một lô sản phẩm.

Sản phẩm lư đồng thành phẩm của cơ sở Ba Cồ
Sản phẩm lư đồng thành phẩm của cơ sở Ba Cồ

Tuy nhiên, làng nghề truyền thống nào cũng thế, cũng đều mang trong mình những giá trị riêng biệt mà không một máy móc nào có thể thay thế được. Đó là với mỗi bộ lư đồng truyền thống đều được bàn tay của những người thợ thổi hồn vào cùng cái tâm mà họ trao tặng, để mỗi một sản phẩm mang trong mình sự độc nhất, sự trân quý biết bao.

Gìn giữ giá trị truyền thống

Một trong những nghệ nhân có tiếng nhất làng lư đồng An Hội là Hai Thắng. Nay ông tuổi cũng đã cao nên cũng đành rời bỏ cái nghề máu thịt này. Chưa kể đến những khó khăn vì cạnh tranh gay gắt của lư đồng công nghiệp, giá đồng nguyên liệu tăng cao, việc sản xuất thu lại không được bao nhiêu. Đỉnh điểm khó khăn phải kể đến thời kì dịch COVID-19 khiến nhiều hộ không trụ được, đành phải bỏ nghề kiếm việc khác mưu sinh…

Các thợ của cơ sở lư đồng Sáu Bảnh đang gấp rút chuẩn bị cho kịp đơn hàng giao trước Tết. Trong nhóm hộ làm lư, gia đình ông Hai Thắng, Sáu Bảnh và Út Kiển là anh em ruột, những người còn lại đều là bà con họ hàng
Các thợ của cơ sở lư đồng Sáu Bảnh đang gấp rút chuẩn bị cho kịp đơn hàng giao trước Tết. Trong nhóm hộ làm lư, gia đình ông Hai Thắng, Sáu Bảnh và Út Kiển là anh em ruột, những người còn lại đều là bà con họ hàng

Tuy làng lư đồng An Hội đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, sự mai một cứ thấm dần nhưng vẫn còn đó những cơ sở, con người quyết tâm giữ lửa, truyền nghề cho con cháu. Sức mạnh ấy cũng bền bỉ như người nghệ nhân đang rèn giũa, tinh chỉnh từng chi tiết trên những lư đồng mỗi ngày.

Bên cạnh đó, sự đồng hành và hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng là động lực lớn để làng nghề An Hội tiếp tục được duy trì và phát huy.

Giữa năm 2022, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng (nay là Thứ trưởng Bộ Công Thương) cùng lãnh đạo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, UBND quận Gò Vấp đã khảo sát tour "Gò Vấp trăm năm tìm lại dấu xưa" do Công ty TST Tourist tổ chức, trong đó, làng nghề truyền thống đúc lư đồng An Hội là một trong những địa chỉ được chọn làm điểm tham quan, du lịch.

Bà Phan Thị Thắng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo Sở Du lịch TP, UBND quận Gò Vấp tham quan cơ sở lư đồng Năm Toàn
Bà Phan Thị Thắng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo Sở Du lịch TP, UBND quận Gò Vấp tham quan cơ sở lư đồng Năm Toàn (Ảnh: TL)

Theo bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp: “Làng nghề đúc lư đồng An Hội ở đây có truyền thống và danh tiếng trên 100 năm. Cũng như các làng nghề khác, làng nghề An Hội cần được giữ gìn để góp phần lưu giữ nét văn hóa đặc trưng của người Sài Gòn xưa”.

Dù thời hoàng kim đã qua nhưng làng đúc lư đồng An Hội vẫn còn đó những con người yêu nghề, luôn hướng về tổ tiên với tấm lòng thành kính. Để mỗi dịp Tết đến Xuân về, làng lư đồng An Hội lại rực rỡ với lửa hồng và những giọt mồ hôi, những nụ cười hạnh phúc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết