Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quảng Nam: Đề nghị thống nhất mô hình thí điểm chương trình OCOP giai đoạn 2023-2025

UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ NN&PTNT thống nhất mô hình Phát triển sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng làng cổ Lộc Yên, huyện Tiên Phước.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị thống nhất mô hình thí điểm thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2023 - 2025 cho dự án xây dựng mô hình phát triển sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng làng cổ Lộc Yên, huyện Tiên Phước.

Quảng Nam: Đề nghị thống nhất mô hình thí điểm chương trình OCOP giai đoạn 2023-2025
Làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước) được xếp hạng là di tích cấp quốc gia

Trước đó, vào tháng 9/2023 tỉnh Quảng Nam đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét cho thay đổi dự án "Xây dựng mô hình sản xuất sản phẩm OCOP từ đảng sâm gắn với phát triển nguồn nguyên liệu hợp chuẩn và bền vững tại huyện Tây Giang" sang dự án “Xây dựng mô hình phát triển sản phẩm OCOP Du lịch cộng đồng làng cổ Lộc Yên, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam”.

Đến ngày 4/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn đồng ý chủ trương thay đổi danh mục mô hình thí điểm của tỉnh Quảng Nam phù hợp thực tế tuy nhiên cho rằng mô hình thay thế đề xuất của Quảng Nam là chưa phù hợp.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, quá trình rà soát trên địa bàn tỉnh, không có địa phương nào đăng ký xây dựng “Mô hình thí điểm phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương, phát triển chế biến quy mô nhỏ và vừa (theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ)...". Vì vậy, để thực hiện hiệu quả chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất mô hình “Phát triển sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng làng cổ Lộc Yên, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam”.

Làng cổ Lộc Yên đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia, hiện nay huyện đã quy hoạch chi tiết xây dựng, đã đăng ký kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2015, đây là điều kiện thuận lợi để triển khai dự án. Khi xây dựng mô hình sẽ hướng đến công nhận sản phẩm OCOP 4-5 sao, là mô hình điểm về sản phẩm OCOP thuộc nhóm du lịch, cộng đồng được hưởng lợi, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di tích cấp quốc gia đã được công nhận, sẽ là địa điểm tiêu thụ các sản phẩm OCOP của huyện, tỉnh và quốc gia, khi hoàn thành mô hình sẽ là địa điểm để các địa phương trong cả nước học tập, nhân rộng.

Lý do UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất thay đổi dự án “Sản xuất sản phẩm OCOP từ Đảng sâm gắn với phát triển nguồn nguyên liệu hợp chuẩn và bền vững tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam” sang dự án khác vì quá trình triển khai, UBND huyện Tây Giang báo cáo gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Chưa có quỹ đất bố trí xây dựng nhà máy đạt chuẩn GMP, dự án mới phát sinh trong năm 2023 nên chưa có trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và năm 2023.

Ngoài ra, thời gian triển khai dự án ngắn trong khi các thủ tục về đầu tư phải đảm bảo đúng quy định hiện hành nên không thể đáp ứng thời gian theo yêu cầu; việc lựa chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực thực hiện dự án khó khăn, đơn vị tư vấn từ chối tham gia với lý do: Đây là dự án lớn, các mắt xích của chuỗi (vận hành nhà máy GMP, đầu ra chưa rõ, nguồn nhân lực tại chỗ chưa có khả năng đáp ứng trình độ chuyên môn…) khó đảm bảo kết quả theo mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do đó, UBND huyện Tây Giang có văn bản xin không thực hiện dự án này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết