Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ninh Thuận phát huy hiệu quả từ các nguồn lực đầu tư

Nhờ phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đến nay diện mạo đô thị, nông thôn và đời sống của người dân ở Ninh Thuận đã thay đổi đáng kể.

Từ một tỉnh thuộc nhóm tỉnh khó khăn nhất cả nước đến nay đã vươn lên trở thành tỉnh có mức thu nhập trung bình cao, Ninh Thuận đang tận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển.

Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Nam- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sau phiên thảo luật tại tổ về nội dung sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu, Luật PPP vào ngày 30/10 vừa qua.

Thưa ông, thời gian qua, Ninh Thuận đã thực hiện Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án thành phố Phan Rang – Tháp Chàm với quyết tâm chính trị như thế nào?

Ninh Thuận phát huy hiệu quả từ các nguồn lực đầu tư
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam (Ảnh: Văn Nỷ)

Ninh Thuận là tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, nguồn thu ngân sách chưa đáp ứng nhu cầu chi, chủ yếu nhờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế.

Được sự quan tâm của Ngân hàng Thế giới, tỉnh Ninh Thuận được tài trợ tham gia vào giai đoạn II của Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên hải, tiếp nối dự án Vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải, Việt Nam (Dự án VSMT). Theo đó, Ngân hàng Thế giới tài trợ gồm 04 Tiểu dự án: Tiểu dự án thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định; Tiểu dự án thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình; Tiểu dự án thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa và Tiểu dự án thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Trong đó, tỉnh Ninh Thuận được bổ sung vào giai đoạn II và là tỉnh có tổng mức đầu tư lớn nhất trong 4 tỉnh tham gia dự án, với mục tiêu sau khi được đầu tư hoàn thiện sẽ cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe của người dân các thành phố tham gia dự án thông qua việc hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tạo cảnh quan đô thị; hỗ trợ tăng cường quản lý dự án và cải cách thể chế nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân.

Dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của địa phương, vì vậy trong các năm vừa qua đều được tỉnh quan tâm, đưa vào danh mục các công trình trọng điểm. Trong những năm đầu, dự án gặp rất nhiều khó khăn như: Chậm được phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; chịu tác động của đại dịch Covid-19, thi công trong đô thị, hạ tầng ngầm nhiều, đặc biệt nhất là công tác giải phóng mặt bằng với hơn 1.500 hộ dân bị ảnh hưởng, tổng diện tích đất bị thu hồi vĩnh viễn hơn 351.466 m2 đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ, thời gian thực hiện dự án.

Thành phố Ninh Thuận
Diện mạo đô thị của Ninh Thuận ngày càng khang trang, hiện đại (Ảnh: Văn Nỷ)

Có lúc phía nhà tài trợ cũng như tỉnh đã tính tới phương án cắt giảm một số hạng mục đầu tư để triển khai thực hiện đáp ứng được tiến độ Hiệp định đã ký kết. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao nhất trong việc triển khai hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình để đảm bảo yêu cầu mục tiêu của dự án đã đề ra, từ đầu năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Kiện toàn bộ máy lãnh đạo chủ đầu tư dự án; thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng của dự án; báo cáo cấp thẩm quyền để chỉ đạo các Cấp ủy Đảng, Mặt trận và tổ chức đoàn thể các cấp cùng chung tay vào cuộc. Cá nhân tôi cùng với các đồng chí lãnh đạo địa phương thường xuyên kiểm tra thực địa để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con vùng dự án, các đơn vị thi công trực tiếp để có các chỉ đạo kịp thời.

Đến nay, dự án đã triển khai hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình theo mục tiêu đã đề ra, giải quyết được tình hình thoát nước, thu gom, xử lý nước thải, tạo cảnh quan môi trường, đô thị của thành phố, góp phần giải quyết được công tác vệ sinh môi trường đô thị, tạo môi trường sống lành mạnh cho người dân vùng dự án, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí về phát triển đô thị của thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.

Qua đây ông đánh giá thế nào về vai trò của các nguồn lực đầu tư đối với các tỉnh còn khó khăn như Ninh Thuận cũng như của các dự án, chương trình hợp tác phát triển nói chung, thưa ông?

Thời gian qua, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Ninh Thuận đầu tư 5 dự án với với tổng vốn trên 3.000 tỷ đồng, gồm: Môi trường bền vững 2.253 tỷ đồng; mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả 230 tỷ đồng, sửa chữa và nâng cao an toàn đập 77 tỷ đồng; khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung 412 tỷ đồng; xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở 92 tỷ đồng.

Đến nay, cả 5 dự án đã hoàn thành, phát huy hiệu quả, mục tiêu đầu tư, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết tốt hơn các vấn đề an sinh xã hội, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Công trình Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã hoàn thành đưa vào sử dụng hiệu quả.
Công trình Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Phan Rang - Tháp Chàm đã hoàn thành đưa vào sử dụng hiệu quả (Ảnh: Văn Nỷ)

Đối với dự án Môi trường bền vững hoàn thành có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh, góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe của người dân, tạo quan cảnh đô thị, hỗ trợ tăng cường quản lý và cải cách thể chế nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân.

Đảng bộ tỉnh và nhân dân rất vui mừng, phấn khởi và trân trọng sự giúp đỡ, hỗ trợ của Ngân hàng thế giới, trong đó có đoàn công tác và các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới trong việc giải quyết các vấn đề thực hiện Dự án.

Vậy hiệu quả mà dự án mang lại như thế nào cho sự phát triển của Ninh Thuận thưa ông?

Ninh Thuận từ một tỉnh trong nhóm tỉnh khó khăn nhất cả nước đến nay đã vươn lên trở thành tỉnh có mức thu nhập trung bình cao cả nước. Khả năng huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện đáng kể.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật được tập trung đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại, tăng tính kết nối. Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư quá lớn, tập trung nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng tại các vùng xung yếu, phòng chống thiên tai. Đối với kết cấu hạ tầng đô thị nhiều nơi vần còn xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng ngập úng cục bộ ở một số đô thị chưa được khắc phục có hiệu quả.

Thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Ninh Thuận, chính quyền và nhân dân các dân tộc của tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2030 tỉnh có 12 đô thị, trong đó tập trung đồng bộ kết cấu hạ tầng các khu đô thị mới theo hướng hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường, ưu tiên đầu tư hạ tầng đô thị thành phố Phan Rang-Tháp Chàm thành đô thị hiện đại, thông minh, đô thị du lịch, dịch vụ sinh thái gắn với nâng chất lượng các tiêu chí đô thị loại I và các đô thị vệ tinh Khánh Hải, Tân Sơn, Phước Dân thành đô thị loại IV.

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian đến, Ninh Thuận mong muốn Ngân hàng thế giới tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh đầu tư hạ tầng cải thiện môi trường, thích ứng với Biến đổi khí hậu các đô thị, giải quyết các khu vực thường xuyên bị ngập úng ở khu vực trung tâm, kết nối các hệ thống thoát nước, nước thải để tạo thành một hệ thống hoàn thiện, đáp ứng đủ nhu cầu và có tính tới yếu tố biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tăng cường khả năng thu gom và xử lý nước thải, hạn chế nước thải thải trực tiếp ra môi trường nước; Ngoài ra, tỉnh cũng mong muốn Ngân hàng thế giới quan tâm hỗ trợ cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân địa phương.

Với thành công và hiệu quả mang lại của dự án, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận cảm ơn các đối tác/nhà tài trợ và mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Trung ương và các nhà tài trợ quốc tế trong việc triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo đảm đời sống, sản xuất, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế- xã hội bền vững của địa phương.

Xin cảm ơn ông!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...