Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhân rộng Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu trong cộng đồng

Ngày 30/5, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đem lại những chuyển biến tích cực trong việc xây dựng nếp sống văn hóa của người dân Thủ đô, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh.

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm đưa văn hóa ứng xử nhân rộng trong đời sống cộng đồng dân cư được nhân rộng. Trong đó những mô hình, cách làm hay được thực hiện từ Tổ dân phố, khu dân cư giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát huy sức mạnh của cộng đồng tham gia xây dựng đời sống văn hóa từ cơ sở.

Nhân rộng Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu trong cộng đồng
Toàn cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Thanh Thanh)

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực trong việc thực hiện các nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng thì vẫn còn tồn tại những hành vi ứng xử thiếu văn minh của một bộ phận người dân từ mỗi Tổ dân phố, thôn xóm, ảnh hưởng lớn tới hiệu quả thực hiện các bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố và chất lượng thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Nhằm nâng cao hơn nhận thức, thay đổi hành vi của phụ nữ Thủ đô trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, năm 2022, Hội LHPN đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 5/8/2022 về việc tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, trong đó có giao cho Hội LHPN chủ trì tham mưu thực hiện 3 mô hình điểm tuyên truyền vận động phụ nữ và cộng đồng thực hiện “Tổ dân phố, thôn văn hóa kiểu mẫu”; “Chợ văn minh - an toàn - hiệu quả”, mô hình “Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử kiểu mẫu” trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, đối với mô hình điểm “Tổ dân phố, thôn văn hóa kiểu mẫu trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng” đã được Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo Hội LHPN quận Ba Đình tham mưu phối hợp triển khai thí điểm tại 5 Tổ dân phố thuộc 5 phường trên địa bàn (Tổ dân phố số 15 phường Thành Công, Tổ dân phố số 9 phường Kim Mã, Tổ dân phố số 5 phường Ngọc Khánh, Tổ dân phố số 10 phường Liễu Giai, Tổ dân phố số 3 phường Trúc Bạch, Tổ dân phố số 8 phường Quán Thánh).

Bên cạnh đó, một số đơn vị đã chủ động nghiên cứu, triển khai, ra mắt mô hình tại địa bàn như: Tổ dân phố 35 phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy), Tổ dân phố 23 phường Trung Liệt (quận Đống Đa), Tổ dân phố số 1 xã Kim Chung (huyện Hoài Đức); Thôn 2 xã Vạn Phúc, Thôn Tràng xã Thanh Liệt, Thôn Cổ Điển A xã Tứ Hiệp, Thôn Đại Lan xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì).

Nhân rộng Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu trong cộng đồng
Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình điểm. (Ảnh: Thanh Thanh)

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm thực tế, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện để tìm ra những giải pháp, tiếp tục nhân rộng mô hình điểm trong thời gian tới.

Chia sẻ kinh nghiệm tại địa bàn, bà Đinh Thị Phương Liên, Chủ tịch Hội LHPN quận Ba Đình cho biết, là đơn vị được Thành hội lựa chọn làm điểm về xây dựng Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, Hội LHPN quận đã báo cáo Quận ủy xin chủ trương, từ đó phối hợp UBND quận đưa vào nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phối hợp hoạt động giữa Hội LHPN quận và UBND quận năm 2023.

Sau gần 6 tháng triển khai, Hội LHPN quận rút ra một số bài học kinh nghiệm đó là, lựa chọn những địa bàn dễ thực hiện mô hình để thu hút, thuyết phục, vận động, từ đó dần làm những điểm khó. Từng bước thận trọng và xác định tư tưởng chỉ đạo "Lấy sức dân xây dựng đời sống cho dân"; khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu từ các đồng chí Bí thư, Chủ tịch, các đồng chí Tổ trưởng, Bí thư Tổ dân phố...

Đồng thời cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cơ sở; vận động, dân vận khéo để xã hội hóa xây dựng các công trình, phần việc cụ thể trong thực hiện mô hình tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu...

Cũng tại Tọa đàm, các đại biểu kiến nghị, đề xuất vận động xã hội hóa để có nguồn kinh phí hoạt động cho mô hình tại các tổ dân phố. Sau khi ra mắt các mô hình điểm cần tiến hành giám sát thường xuyên về tính hiệu quả, sức lan tỏa của mô hình.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...