Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năm 2030, Lâm Đồng là tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định 1727/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quan điểm là phát huy tiềm năng, lợi thế tự nhiên và vai trò vị trí của tỉnh trong vùng Tây Nguyên để phát triển nhanh, bền vững; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Theo đó, mục tiêu của Quy hoạch phát triển đến năm 2030 Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo.

Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao.

Lâm Đồng phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại, hiệu quả cao, hữu cơ, hướng đến hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn; trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế.

Phát huy lợi thế địa kinh tế, Lâm Đồng tiếp tục phát triển nền nông nghiệp bền vững và cạnh tranh 

Đồng thời, tỉnh phát triển các ngành dịch vụ, du lịch, logistics dựa trên nền tảng số, chất lượng cao và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ.

Ưu tiên phát triển bền vững công nghiệp khai thác, chế biến bauxit, alumin, công nghiệp chế biến nhôm và các sản phẩm từ nhôm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản;…

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

Theo đó, phương hướng phát triển các ngành quan trọng, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng phát triển toàn diện và hiện đại, trở thành Trung tâm nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao tầm Quốc gia và Quốc tế; là vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất hàng hóa có giá trị cao trên thị trường Đông Nam Á. Hình thành các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.

Phát triển thương mại trên cơ sở tăng cường liên kết chặt chẽ với các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung, vùng Tây Nguyên. Phát huy lợi thế các mặt hàng xuất khẩu chủ lực hướng đến các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, Mỹ, Châu Âu và các nước Trung Đông…

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương

Phát triển lâm nghiệp bền vững. Toàn tỉnh Lâm Đồng sẽ phát triển 09 khu bảo tồn thiên nhiên. Đến năm 2030, các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng biến đổi khí hậu…   

Phấn đấu đến năm 2030, Lâm Đồng trở thành “Thiên đường xanh” với sức hút của các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á.

Theo đó, Lâm Đồng phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô, chất lượng nhân lực và dịch vụ, đa dạng hóa chuỗi sản phẩm du lịch, kết cấu hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ ở tầm quốc tế; trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chất lượng cao và bền vững, tạo động lực cho sự phát triển của các ngành liên quan dựa trên nền tảng của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp sáng tạo.

Phát triển hệ thống khu, điểm du lịch theo các cụm không gian du lịch, hành lang kinh tế. Trong đó, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành đô thị du lịch chất lượng cao, phát triển kinh tế ban đêm, hiện đại, đẳng cấp quốc tế. Thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận trở thành vệ tinh, trung tâm du lịch cấp vùng. Nghiên cứu, phát triển các trung tâm du lịch: Sinh thái - nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe thể thao hàng đầu Việt Nam tại thành phố Bảo Lộc và các huyện có tiềm năng du lịch, khẳng định thương hiệu và năng lực cạnh tranh của Lâm Đồng ở trong nước và quốc tế.

Năm 2030, Lâm Đồng trở thành "Thiên đường xanh" về du lịch nghỉ dưỡng-sinh thái-chăm sóc sức khỏe-thể thao cao cấp  

Lâm Đồng tập trung đầu tư 06 nhóm sản phẩm du lịch chính: Du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp (gôn, đua ngựa, đua chó…); du lịch sinh thái - mạo hiểm; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch văn hoá tâm linh; du lịch đô thị; du lịch sáng tạo…

Phát triển các đô thị gắn với động lực của từng vùng theo hướng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu

Đến năm 2030, Lâm Đồng phấn đấu về hệ thống đô thị gồm 17 đô thị; trong đó, có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V. Khi có đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định sẽ phát triển thêm 5 đô thị loại V.

Phấn đấu đến năm 2045, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc trung ương gồm 3 quận, 3 thị xã, 3 huyện. Ngoài ra, khu vực ngoại thành là một số thị trấn huyện lỵ và thị trấn thuộc huyện giữ vai trò là trung tâm huyện hoặc trung tâm các xã hoặc các cụm xã.

Phát triển đô thị gắn với tăng trưởng xanh 

Chú trọng xây dựng mô hình làng đô thị xanh dựa trên quan điểm bảo tồn và phục hồi cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên, tái cấu trúc các làng đô thị hiện hữu trên cơ sở tạo ra các hành lang nông nghiệp kết nối các khu dân cư, đưa cảnh quan sản xuất, cảnh quan tự nhiên và các không gian cộng đồng đan xen vào các khu vực dân cư và công trình...

Xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, liên hoàn, kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh

Phát triển mạng lưới đường cao tốc, quốc lộ bao gồm: 03 cao tốc: Nha Trang-Liên Khương; Liên Khương-Buôn Mê Thuột; Dầu Giây-Liên Khương.  Đồng thời có 08 Quốc lộ là: 20, 27, 27C, 28, 28B, 55, 55B và Trường Sơn Đông.

Đèo Prenn thông toàn tuyến vào Tết Nguyên đán năm 2024 và sẽ kết nối với cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương vào trung tâm TP. Đà Lạt

Quy hoạch 19 tuyến đường tỉnh, trong đó có 10 tuyến bổ sung mới. Quy hoạch tuyến đường kết nối giữa Cảng hàng không Liên Khương và Cảng cạn Đức Trọng, Lâm Đồng, Trung tâm logistics Đức Trọng với đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương…

Xây dựng đường sắt quốc gia tuyến Tháp Chàm-Đà Lạt. Nghiên cứu phát triển 06 tuyến đường xe điện mặt đất (tramway)/xe điện một ray (monorail)…

Nâng cấp cảng Hàng không Liên Khương về quy mô, cấp bay, công suất thiết kế, diện tích…


Tags: Lamdongmoi
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết