Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lào Cai đặt mục tiêu giảm nghèo bình quân từ 3-5%/năm

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3-5%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều.

Nhiều mục tiêu xóa đói giảm nghèo

Với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3-5%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 6%/năm trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3%/năm trở lên. Giảm hộ cận nghèo hàng năm từ 2.000 hộ trở lên. Đến năm 2024, huyện Bảo Thắng và thành phố Lào Cai cơ bản không còn hộ nghèo; Đến năm 2025 huyện Bắc Hà thoát khỏi huyện nghèo.

Lào Cai đặt mục tiêu giảm nghèo bình quân từ 3-5%/năm
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3-5%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều

Chương trình cũng đặt mục tiêu, đến năm 2025, 100% các huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững, có thu nhập ổn định hàng tháng. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo. 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm…

Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt 98% trở lên. Tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt trên 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 25%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp. Trên 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 70% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Trên 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông…

Lào Cai đặt mục tiêu giảm nghèo bình quân từ 3-5%/năm
Lào Cai ưu tiên, tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội ở các huyện nghèo, thôn, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Giải pháp chinh phục mục tiêu

Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, thời gian tới tỉnh Lào Cai tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo. Cùng với đó, đưa chỉ tiêu kết quả thực hiện giảm nghèo bền vững vào tiêu chi đánh giá cấp ủy, chính quyền, đoàn thể hàng năm.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo. Khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Đổi mới phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng.

Thực hiện có hiệu quả các chương trình, Đề án trên địa bàn tỉnh góp phần chung cho chương trình giảm nghèo bền vững. Tăng cường công tác đào tạo nghề gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm, đẩy mạnh hoạt động giới thiệu việc làm tạo điều kiện cho người lao động sau đào tạo tìm được việc làm trong và ngoài nước.

Quan tâm, chú trọng thực hiện có hiệu quả hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt đối với nghèo đa chiều để trợ giúp đối tượng có kiện tiếp cận tốt hơn đối với lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường, thông tin. Trợ giúp kịp thời các hộ bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo từ các nguyên nhân rủi ro gây nên.

Tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư giảm nghèo như: Ưu tiên, tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội ở các huyện nghèo, thôn, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Sử dụng kịp thời, có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tăng cường huy động nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước phục vụ công tác giảm nghèo. Tiếp tục vận động sự tài trợ của các tồ chức quốc tế, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp có tiềm lực trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ các địa phương và nhân dân thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Tăng cường nhân lực và nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện công tác giảm nghèo, an sinh xã hội ở cơ sở, đặc biệt quan tâm đối với các xã vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Để đạt mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, tỉnh Lào Cai cho biết sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện, gắn với sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo. Làm tốt công tác thi đua khen thưởng để kịp thời động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giảm nghèo của tỉnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...