Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh nghiệm hiện đại hoá nông thôn mới của Trung Quốc

Cho đến nay, Trung Quốc luôn được coi là một quốc gia đi đầu trong công cuộc tái thiết nông thôn.

Trung Quốc luôn coi việc thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân tại các vùng nông thôn là ưu tiên hàng đầu. Trung Quốc cũng là một quốc gia có tốc độ thành lập các đô thị mới tại nhiều cấp với tốc độ chóng mặt. Hàng loạt các thành phố mới được thành lập một cách tương đối nhanh chóng trực thuộc tỉnh, huyện, trong đó có cả hình mẫu thành phố trong thành phố.

Gần đây, các địa phương đã đầu tư mạnh hiện đại hóa hạ tầng, đưa nông thôn gần thành thị nhưng vẫn giữ giá trị truyền thống của làng quê. Hầu hết các địa phương đều xây dựng kế hoạch 5 năm để hồi sinh nông thôn bằng chiến lược hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, với tiêu chí cụ thể về cơ giới hóa, nông sản sạch, sống xanh. Ngoài nguồn vốn lớn từ ngân sách, gần đây các tập đoàn tư nhân đã tập trung đầu tư khai thác vùng nông thôn, với mục tiêu áp dụng mạnh công nghệ vào sản xuất hàng hóa chất lượng cao, thu hút nhân tài quay về nông thôn bằng chính sách tài trợ tiền và ưu đãi mua nhà.

Trung Quoc
Trung Quốc luôn được coi là một quốc gia đi đầu trong công cuộc tái thiết nông thôn

Theo Tân Hoa Xã, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được tiến bộ mang tính quyết định trong công cuộc tái thiết nông thôn và cơ bản đạt được hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vào năm 2035. Cải cách nhằm hoàn thiện thể chế và cơ chế được coi là nguồn động lực và sức sống cho quá trình này.

Ngôi làng Houbaligou thuộc tỉnh Sơn Ðông, miền Ðông Trung Quốc, tự hào là nơi phát triển nhanh chóng của nhiều ngành nghề, bao gồm bất động sản, giáo dục và thương mại. Bên cạnh các yếu tố thuận lợi như vị trí gần thị trấn và khả năng tiếp cận cơ hội mở rộng ngành nghề, chính sách cải cách sâu rộng cũng đóng vai trò quan trọng giúp ngôi làng này phát triển nhanh chóng.

Nếu những du khách lần đầu đến làng Houbaligou có thể kiểm tra lại bản đồ để chắc rằng mình đến đúng nơi, do khu vực này trông giống đô thị hơn nông thôn: các tòa nhà cao tầng dọc theo những con đường rộng rãi, một quảng trường lớn có nhiều cây xanh và đài phun nước, cùng các khu dân cư được xây dựng gọn gàng.

Theo đó, trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã thúc đẩy cải cách nông thôn trên diện rộng, trong đó, cải cách hệ thống quyền sở hữu tập thể ở nông thôn là một trong những nhiệm vụ chính. Bằng việc xác minh tài sản tập thể và cho phép nông dân tự nguyện chuyển quyền sở hữu tài sản tập thể thành cổ phần, cải cách này giúp bảo vệ lợi ích của nông dân và nâng cao sức sống của kinh tế tập thể ở nông thôn.

Ðiển hình, sau khi hoàn thành cải cách và thành lập hợp tác xã cổ phần năm 2017, tài sản tập thể của làng Houbaligou đã tăng vọt từ 3,5 tỷ NDT lên hơn 8 tỷ NDT (khoảng 1,1 tỷ USD). Với tư cách là cổ đông, dân làng nhận được cổ tức hàng năm và thu nhập của họ không ngừng tăng lên. Nhân viên làm việc cho hợp tác xã cũng nắm giữ cổ phần dựa trên thời gian công tác.

Cải cách nông thôn cũng mang đến nhiều lợi ích cho làng mới Luyuan ở thành phố Khúc Phụ, tỉnh Sơn Ðông. Một tổ chức kinh tế tập thể được thành lập sau quá trình cải cách đã hỗ trợ người dân mở hơn 160 nhà nghỉ để khai thác tài nguyên du lịch địa phương.

Tân Hoa Xã cho biết, kể từ khi cải cách hệ thống quyền sở hữu tập thể được triển khai, cả nước có khoảng 960.000 tổ chức kinh tế tập thể nông thôn ra đời.

Chính sách nhất quán của Trung Quốc coi khu vực nông thôn và ngoại thành là khu vực hỗ trợ không thể tách rời với đô thị. Khu vực ven đô luôn được quy hoạch gìn giữ là khoảng xanh bao quanh đô thị, cung cấp các sản phẩm nông sản cho đô thị trung tâm, là nơi phát triển kinh tế sản xuất hộ gia đình mang lại các giá trị kinh tế xã hội cao. Trong tương lai, Trung Quốc tiến tới xây dựng chất lượng cuộc sống ở các vùng nông thôn sẽ không thua kém gì các khu vực nội đô, thậm chí có một số các tiêu chí vượt trội.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết