Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không để người dân thiếu nước sạch

Tròn 1 tháng kể từ khi thành phố Hà Nội có quyết định tăng giá nước sạch nhằm tạo nguồn lực cho công tác phát triển hệ thống và đảm bảo chất lượng nguồn nước, mọi việc vẫn chưa thực sự được như kỳ vọng. Tại nhiều địa phương vẫn diễn ra tình trạng khan hiếm nước.

Nhiều nơi vẫn thiếu nước

Gần 4 năm kể từ ngày nước sạch được về xã, gia đình anh Nguyễn Văn Minh (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) vẫn chưa có được thời gian dài ổn định việc sử dụng nước. Theo anh Minh, nước sạch vẫn thường xuyên bị cắt mà không báo trước nhất là vào cao điểm mùa hè.

“Đầu tháng 7 gia đình tôi bị cắt nước, cao điểm có lúc đến gần 20 ngày không có nước khiến mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Nhà tôi may mắn còn giữ giếng khoan nên vẫn có thể dùng để vệ sinh cá nhân, chỉ có nước nấu ăn là phải đi mua. Lúc đầu cứ nghĩ có nước sạch rồi nên cũng đập bỏ bể lắng lọc, giờ gia đình đang suy nghĩ có nên làm lại hay không”, anh Minh cho hay.

Không để người dân thiếu nước sạch
Tại thôn Lai Xá (xã Kim Chung, Hà Nội) xảy ra tình trạng mất nước sạch trong cao điểm mùa hè vừa qua.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ khu vực thôn Lai Xá, xã Kim Chung mà nhiều địa bàn khác của huyện Hoài Đức như một phần thị trấn Trạm Trôi, khu vực xã Đức Thượng, xã Lại Yên… cũng xảy ra tình trạng mất nước sạch trong cao điểm mùa hè vừa qua. Nghịch lý ở chỗ, dư lượng tổng nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho thành phố đạt khoảng 1.530.000m3/ngày đêm là hoàn toàn thừa đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trên thực tế, những khó khăn trong câu chuyện về nguồn cung và phân phối trong ngành nước sạch của Hà Nội không phải là mới, nó đã được chỉ ra từ lâu nhưng vẫn chưa có lời giải. Áp lực nước nếu nhỏ thì nước sẽ không đi được hết hệ thống, còn nếu tăng mạnh hơn thì dễ gây ra sự cố vỡ đường ống. Đây là bài toán mà các nhà quản lý và cả doanh nghiệp cung ứng phải giải quyết nhằm đảm bảo chất lượng cung ứng cho người dân nhất là trong bối cảnh Thành phố vừa tăng giá nước sạch.

Một vấn đề nữa cũng cần nhắc đến, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn Thành phố vẫn còn 139 xã chưa có nước sạch, trong đó, 121 xã đã giao nhà đầu tư, nhưng chưa thực hiện, 28 xã chưa có nhà đầu tư. Cụ thể, huyện Sóc Sơn (18 xã), huyện Thạch Thất (11 xã), huyện Đan Phượng (8 xã), huyện Quốc Oai (2 xã), huyện Phúc Thọ (9 xã), huyện Thanh Oai (10 xã), huyện Chương Mỹ (15 xã), huyện Ứng Hòa (22 xã), huyện Mỹ Đức (21 xã), huyện Thường Tín (21 xã)…

Sở Xây dựng cũng chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này là do việc triển khai các dự án nước sạch tại khu vực nông thôn có chi phí đầu tư lớn, song người dân đấu nối, sử dụng ít nên không bảo đảm cân đối thu - chi của các đơn vị đầu tư... Bất cập này ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của nhiều người dân khu vực nông thôn.

Phân rõ trách nhiệm từng địa bàn

Nhằm đảm bảo tiến độ triển khai các dự án cung cấp nước sạch cho người dân, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cấp nước sạch cho khu vực ngoại thành. Cụ thể, đối với khu vực chưa có nhà đầu tư và khu vực nhà đầu tư chậm triển khai dự án, Sở Xây dựng đề xuất Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh chủ trương đầu tư và thẩm định lại các dự án do các nhà đầu tư đề xuất triển khai.

Trong đó, tại huyện Thạch Thất còn 11 xã chưa có mạng cấp nước sạch, đề xuất giao Công ty Cổ phần cấp nước Sơn Tây, Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Thủ Đô và Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội triển khai. Đối với 11 xã của huyện Chương Mỹ và 2 xã (Đông Xuân, Phú Mãn) của huyện Quốc Oai, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Xuân Mai đề xuất điều chỉnh dự án mở rộng vùng cấp nước cho các xã trên.

Trên địa bàn 3 xã của huyện Đông Anh và 18 xã của huyện Sóc Sơn, giao Công ty nước sạch số 2 Hà Nội thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, đơn vị phải phối hợp với Công ty Cổ phần Cấp nước Mê Linh và Công ty Cấp nước Ngọc Anh thực hiện khớp nối với hệ thống mạng cấp nước hiện có. 21 xã còn lại của huyện Ứng Hòa và 26 xã của huyện Mỹ Đức, Công ty Cổ phần Nước sạch Hà Nam đề xuất được mở rộng mạng cấp nước cho toàn bộ khu vực và kết nối nguồn cấp bổ sung từ Hà Nam theo định hướng điều chỉnh quy hoạch cấp nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 6/4/2021.

Địa bàn các huyện Phúc Thọ, Thường Tín, Thanh Oai…, Sở Xây dựng cũng đồng ý với đề xuất của các nhà đầu tư. Ngoài ra, đối với 3 xã miền núi: Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang (huyện Ba Vì), do không thể kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa nên UBND Thành phố giao huyện Ba Vì làm chủ đầu tư…

Nhắc lại hành trình 15 năm “phủ sóng” nước sạch, cùng với sự vào cuộc tích cực từ Thành phố xuống đến địa phương và các doanh nghiệp, nhiều khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua cũng đã được tháo gỡ. Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm cao, toàn bộ người dân khu vực nông thôn của sẽ sớm được tiếp cận với hệ thống nước sạch chung của Thành phố.

Để hoàn thành mục tiêu 100% người dân được tiếp cận nước sạch như Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đã đề ra vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đó là tình trạng khan hiếm nước ở những khu vực mới được đô thị hóa hoặc hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nước ngầm có dấu hiệu suy giảm, nguồn nước mặt đối diện nguy cơ ô nhiễm, sự cân bằng của toàn bộ hệ thống giữa công suất nhà máy nước và mạng lưới đường ống, cân đối giữa cung và cầu, giữa các vùng và các giai đoạn xây dựng và phát triển nhằm khai thác bền vững, ổn định và bảo vệ nguồn tài nguyên nước…

Đây là cơ sở quan trọng làm nền tảng để thành phố Hà Nội hoạch định những chính sách, kế hoạch phát triển trong tương lai, tạo điều kiện phát triển theo quy hoạch cho các lĩnh vực kết cấu hạ tầng nói chung và ngành nước Hà Nội nói riêng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết