Đổi mới sáng tạo -“Chìa khóa” giúp hợp tác xã phát triển bền vững
Đổi mới sáng tạo là một trong những công cụ đắc lực để thúc đẩy, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nắm bắt được điều đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã tích cực đổi mới sáng tạo nhằm tăng nội lực, phát triển nhanh, bền vững.
Theo ông Trần Vũ Tuấn Phan, quyền Giám đốc Trung tâm dịch vụ Khoa học và Công nghệ (Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo), đối với Đắk Lắk, các doanh nghiệp, HTX khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể tập trung vào những lĩnh vực thế mạnh đặc trưng địa phương như nông nghiệp, sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch, chế biến sản phẩm tạo ra giá trị gia tăng cao, các vật liệu đặc thù, văn hóa địa phương…
Khởi nghiệp liên quan đến các lĩnh vực đó sẽ có sức cạnh tranh nhờ lợi thế địa phương, nền tảng vững chắc để có thể phát triển dài hạn. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo vẫn là con người.
Hợp tác xã Nấm dược liệu Chư Yang Sin (xã Cư Kty, huyện Krông Bông) đã trồng thành công nấm linh chi đỏ dưới tán rừng keo lai. |
Một tín hiệu rất tích cực là những năm gần đây, trình độ của cán bộ quản lý HTX ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, hiện nay kinh tế tập thể, HTX đang được rất nhiều sinh viên, cán bộ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm và tham gia thành lập, quản lý, điều hành.
HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) nổi bật là một HTX trẻ, luôn tiên phong đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại Tân Hòa Vũ Đăng Minh cho hay, với ưu điểm 60% nhân lực trẻ, năng động, đơn vị đã tập trung xây dựng HTX nông nghiệp có quy mô, tập trung và hiện đại, được quản lý bằng công nghệ. Ngay từ khi thành lập, HTX đã thường xuyên cập nhật các xu hướng mới trong sản xuất, bán hàng; áp dụng công nghệ số vào quá trình quản trị và điều hành. Hiện HTX đã áp dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) vào việc viết bài, làm video quảng cáo sản phẩm của mình để chia sẻ trên các nền tảng thương mại điện tử như TikTok, Shopee, Nông sản Đắk Lắk, Lazada… Thời gian tới, HTX sẽ thực hiện dán tem mã định danh từng cây, xây dựng vườn nhãn hữu cơ, gắn camera, chip điện tử để người dùng có thể trực tiếp xem và đặt mua trước.
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, đổi mới sáng tạo được xem là “chìa khóa” để giúp HTX phát triển bền vững, Liên minh HTX tỉnh đã tập trung tư vấn, hướng dẫn các HTX thực hiện những ý tưởng, dự án khởi nghiệp phù hợp với tiềm lực của bản thân, lợi thế của địa phương. Đồng thời, hướng dẫn các HTX trên địa bàn tiếp cận một số nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư phát triển kinh tế. Cụ thể, đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã hướng dẫn, thẩm định và hoàn thiện hồ sơ cho 3 dự án vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh với số tiền 1,9 tỷ đồng; khảo sát 14 HTX, qua đó thẩm định, lựa chọn một số HTX để hỗ trợ ứng dụng đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất… nhằm củng cố nguồn lực để các HTX phát triển.
Như trường hợp của HTX Nuôi trồng nấm Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột), sau 5 năm đi vào hoạt động, hiện HTX đã có 12 xã viên và 3 thành viên liên kết, với 13.000 m2 nhà trại trồng nấm. Trước đây sản phẩm nấm của HTX chỉ tập trung bán lẻ cho các thương lái trên địa bàn tỉnh, nhưng hiện nay các thành viên đang ngày càng mở rộng diện tích, sản lượng nấm tăng lên nên cần thị trường lớn hơn.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nhất (xã Buôn Triết, huyện Lắk) đầu tư hệ thống máy xay xát gạo công nghệ cao. |
Giám đốc HTX Nuôi trồng nấm Hòa Xuân Nguyễn Thọ Kiên cho hay, để phát triển bền vững, tìm được thị trường lớn hơn, HTX phải tự làm mới mình, đặc biệt là phải đổi mới công nghệ, sản xuất. HTX đầu tư hơn 3 tỷ đồng để chuyên nghiệp hóa dây chuyền sản xuất. Từ đó, sản xuất thêm các sản phẩm phụ từ nấm như trà nấm linh chi đỏ, trà nấm linh chi vàng, rượu… để đa dạng sản phẩm. Năm 2023, HTX được Liên minh HTX tỉnh tạo điều kiện cho vay 90 triệu đồng để mua máy xay mùn cưa phục vụ quá trình làm phôi nấm; 500 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để đầu tư phát triển sản xuất. Hiện nay, HTX đã có một hệ thống dây chuyền khép kín từ khâu nuôi trồng đến xuất bán, thuận lợi cho việc mở rộng thêm nhà trại trồng nấm, sản phẩm được xuất bán ở các thị trường khó tính hơn trên cả nước, thu nhập của thành viên ngày một nâng lên.
Nhờ thay đổi trong tư duy sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất mà các HTX trên địa bàn tỉnh đã tạo ra những sản phẩm chất lượng, tiếp cận được với các thị trường lớn, khó tính, góp phần tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, doanh thu bình quân của HTX đạt 2,5 tỷ đồng/năm; lợi nhuận trung bình 300 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân người lao động 60 triệu đồng/năm.
Toàn tỉnh hiện có 100 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, 150 HTX có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. |