Cần Thơ ‘chuyển mình’ với xu hướng thanh toán không tiền mặt
Cần Thơ đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt trong mọi lĩnh vực, từ chợ truyền thống đến dịch vụ công, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế.
Chợ truyền thống "lên đời" với thanh toán không tiền mặt
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn quốc, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý và cải thiện trải nghiệm của người tiêu dùng. Là trung tâm kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Cần Thơ đang từng bước chuyển mình, đẩy mạnh áp dụng thanh toán không tiền mặt trong các hoạt động thương mại, dịch vụ và hành chính công, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và hiện đại hóa nền kinh tế đô thị.
TP. Cần Thơ triển khai mô hình chợ 4.0 tại tất cả các huyện trên địa bàn. |
Theo Sở Công Thương TP. Cần Thơ, tính đến quý I/2025, thành phố đã triển mô hình chợ 4.0 tại 9/9 quận, huyện, hưởng ứng đăng ký thực hiện và có 3 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tham. Hiện tại, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt tại các chợ này chiếm khoảng 30-35% tổng số giao dịch mua bán.
Ghi nhận tại chợ An Cư, quận Ninh Kiều, nhiều tiểu thương đã chủ động dán mã QR tại sạp hàng để khách hàng quét mã khi mua sắm. Chị Nguyễn Thị Toàn, tiểu thương bán rau củ tại chợ, chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng lo ngại vì không rành điện thoại thông minh, nhưng sau khi được hướng dẫn, tôi thấy việc nhận tiền qua ví điện tử hay tài khoản ngân hàng vừa nhanh chóng, vừa an toàn, không sợ lẫn tiền hay mất tiền thừa như trước nữa".
Tương tự, tại tuyến phố Đề Thám - nơi được xem là mô hình thí điểm tuyến phố không tiền mặt của thành phố - các cửa hàng, quán ăn, cà phê... đều đã áp dụng phương thức thanh toán điện tử, đặc biệt là qua mã QR và ví điện tử.
Chị Mai Thanh Thúy, chủ một quán đồ ăn trên đường Đề Thám, cho biết: “Khách hàng của tôi chủ yếu là dân văn phòng và sinh viên. Họ rất thích thanh toán qua các ứng dụng điện tử vì không cần phải mang theo tiền mặt, vừa tiện lợi vừa an toàn. Mặc dù phí giao dịch qua ví điện tử có thể cao hơn một chút, nhưng tôi thấy khách hàng vẫn thích vì tính tiện dụng của nó”.
Sự tiện lợi, nhanh chóng, không cần mang theo tiền mặt là lý do chính khiến phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được ưa chuộng. Bên cạnh đó, việc triển khai các chương trình ưu đãi, hoàn tiền khi sử dụng ví điện tử cũng tạo động lực để người dân chuyển đổi thói quen chi tiêu.
Đẩy mạnh hình thức thanh toán không tiền mặt
Không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ, thương mại, thanh toán không tiền mặt cũng đang được áp dụng rộng rãi trong các dịch vụ công tại Cần Thơ. Từ việc thu học phí, viện phí cho đến chi trả các khoản trợ cấp xã hội, lương hưu, nhiều cơ quan, đơn vị đã tích cực phối hợp với ngân hàng và tổ chức thanh toán trung gian để số hóa quy trình thu chi. Việc này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công mà còn tạo thuận tiện cho người dân, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao dịch trực tuyến ngày càng tăng cao.
![]() |
Xu hướng thanh toán không tiền mặt ngày càng được ưa chuộng. |
Anh Lê Văn Minh, người dân quận Bình Thủy, cho biết: “Tôi có con học tiểu học, trước đây phải đến trường đóng học phí mỗi tháng, giờ chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là xong. Vừa tiết kiệm thời gian, vừa tránh cảnh chen chúc, xếp hàng".
Theo thống kê, đến nay, toàn bộ 31/31 đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng. Ngoài ra, tất cả các trường học công lập trên địa bàn đều thu học phí và chi trả lương qua tài khoản ngân hàng, mang lại sự minh bạch, tiện lợi và tiết kiệm chi phí cho cả nhà trường lẫn phụ huynh.
Tại lĩnh vực y tế, 20/20 cơ sở khám, chữa bệnh công lập thuộc Sở Y tế đã đồng bộ triển khai hệ thống đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến và thanh toán không tiền mặt. Việc này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý, mà còn giúp người dân giảm thời gian chờ đợi, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao.
Trong lĩnh vực an sinh xã hội, việc chi trả qua tài khoản ngân hàng cũng đạt tỷ lệ cao. Trong số 22.751 người nhận lương hưu, trợ cấp hàng tháng, đã có 15.414 người nhận qua ATM. Tỷ lệ này còn cao hơn ở các khoản chi trả trợ cấp 1 lần (14.972/15.457 người) và trợ cấp thất nghiệp (11.318/11.385 người). Việc chi trả qua hệ thống ngân hàng giúp đảm bảo minh bạch, an toàn và thuận tiện cho người dân, đồng thời giảm tải cho các cơ quan chức năng.
Theo báo cáo của UBND TP. Cần Thơ, trong năm 2024, các tổ chức tín dụng trên địa bàn mở tài khoản giao dịch cho 2.547.786 người, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thanh toán điện tử. Ngoài ra, các hình thức thanh toán qua các kênh điện tử như Internet Banking, SMS Banking, Home Banking đã ghi nhận 90.908.629 giao dịch, với tổng giá trị đạt 855.322 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,66% số món và 40,70% số tiền trong tổng thanh toán không dùng tiền mặt.
Trong năm 2025, Cần Thơ đặt mục tiêu đạt giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GRDP, trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử sẽ chiếm 50%. Đồng thời, tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính được phép đạt 80%. Thành phố cũng sẽ tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và nâng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 9.000 điểm. |