A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bước chuyển biến trong phát triển kinh tế xã hội ở huyện Bắc Mê tỉnh Hà Giang

Những năm gần đây, Ủy ban nhân dân Huyện Bắc Mê đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; an ninh, quốc phòng.

Là huyện vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của tỉnh Hà Giang, những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Mê đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; an ninh, quốc phòng.

Kinh tế phát triển khá

Giai đoạn 2021-2025, huyện Bắc Mê xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án đã ban hành để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bắc Mê lần thứ X nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi khung thời vụ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu; Tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất; nâng cao năng suất lao động, sản xuất theo chuỗi giá trị. Chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực đầu tư, ưu tiên thu hút các nguồn lực của xã hội phát triển các lĩnh vực huyện có thế mạnh theo hướng phát triển bền vững.

Kiên định với mục tiêu ấy, thời gian qua, kinh tế xã hội địa phương đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Trong 9 tháng đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp triển khai, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022. Kết quả thực hiện: 14 chỉ tiêu UBND tỉnh giao đã có 03 chỉ tiêu đạt 100% trở lên, 02 chỉ tiêu đạt từ 90 đến dưới 100%; 01 chỉ tiêu đạt dưới 50%, 08 chỉ tiêu đánh giá cuối năm %.

Đối với 45 chỉ tiêu huyện giao (25 chỉ tiêu chủ yếu, 20 chỉ tiêu cụ thể) có 16 chỉ tiêu đạt 100% trở lên; 10 chỉ tiêu đạt từ 90 đến dưới 100%; 03 chỉ tiêu đạt từ 70 đến dưới 90%; 01 chỉ tiêu đạt từ 50 đến dưới 70%; 15 chỉ tiêu tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện vào cuối năm.

Bên cạnh đó, huyện Bắc Mê chú trọng phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý, bền vững theo hướng tăng nhanh dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ - du lịch, coi trọng phát triển nông, lâm nghiệp - thuỷ sản. Điều chỉnh cơ cấu nội bộ ngành, lĩnh vực theo hướng ưu tiên phát triển những ngành, lĩnh vực có tính đột phá, nông nghiệp, du lịch, hạ tầng giao thông, tạo sinh kế cho người dân… Tăng cường mở rộng liên kết vùng với thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên, huyện Yên Minh; huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng; huyện Na Hang, Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Kết nối với thị trường Trung Quốc qua Cửa khẩu Thanh Thủy – Hà Giang, Cửa khẩu Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng... nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế so sánh để thu hút đầu tư, tiêu thụ hàng hóa nông sản, phát triển du lịch, dịch vụ.

Bước chuyển biến trong phát triển kinh tế xã hội ở huyện Bắc Mê tỉnh Hà Giang
Cánh đồng mẫu tại Huyện Bắc Mê

Cùng với đó, huyện Bắc Mê xác định đưa các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững, nâng cao giá trị thu hoạch/ha đất trồng cây hàng năm. Nghiên cứu, từng bước hình thành, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Trong 9 tháng năm 2022, Tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm thực hiện 9.311,0 ha, đạt 100,4% kế hoạch, bằng 99,0% so cùng kỳ (cùng kỳ 9.398,4 ha); Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 34.071,9/34.015,5 tấn, đạt 100,2% kế hoạch, bằng 99,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ 34.380,4 tấn); Giá trị bình quân trên 1 ha đất canh tác ước đạt 55,2/55,2 triệu đồng, đạt 100% so với kế hoạch, bằng 102,6 % so với cùng kỳ (cùng kỳ 53,8 triệu đồng).

Bước chuyển biến trong phát triển kinh tế xã hội ở huyện Bắc Mê tỉnh Hà Giang
Mô hình chăn nuôi bà tại Huyện Bắc Mê

Cùng với đó, huyện Bắc Mê tiếp tục thực hiện Đề án nửa triệu con đại gia súc của tỉnh theo hướng phát triển chăn nuôi tập trung, theo vùng với quy mô trang trại, gia trại trâu, bò, lợn đen, dê, gia cầm bản địa gắn với nâng cao chất lượng đàn giống, trồng cỏ thâm canh gắn với chế biến phục vụ chăn nuôi. Đồng thời, thực hiện tốt công tác thú y và bảo vệ môi trường, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện tốt việc liên kết trong thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nhằm ổn định đầu ra cho người chăn nuôi. Tiếp tục đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo vùng có lợi thế về mặt nước như: Yên Phong, Yên Phú, Lạc Nông, Minh Ngọc, Thượng Tân.

Mặt khác, huyện tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đẩy mạnh trồng rừng sản xuất theo hướng thâm canh, thực hiện trồng mới 3.500 ha rừng kinh tế bằng giống tốt, có giá trị kinh tế cao, theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững. Quan tâm bảo tồn một số loài cây lâm nghiệp bản địa, khoanh nuôi tái sinh, phục hồi rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn để nâng cao giá trị đa dạng sinh học, ưu tiên phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng đến năm 2025 lên 65%.

Đặc biệt, huyện Bắc Mê còn khuyến khích các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh huy động vốn, mở rộng tín dụng, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh. Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tiếp cận với các nguồn vốn, đặc biệt là các nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Ngoài ra, huyện còn phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các điểm khai thác khoáng sản, nhà máy thủy điện hoạt động có hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung phát triển các cơ sở chế biến nông, lâm sản gắn với xây dựng vùng nguyên liệu; khuyến khích đầu tư, khôi phục, phát triển nghề thủ công truyền thống của địa phương nhằm thu hút lực lượng lao động tại chỗ, lao động nhàn rỗi, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tiếp tục đưa kinh tế phát triển nhanh và bền vững

Trong thời gian tới, huyện Bắc Mê xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng toàn diện, nhanh, bền vững; thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo; rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, các dân tộc trên địa bàn; giảm dần số thôn, xã đặc biệt khó khăn; từng bước hình thành các trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở; tiếp tục củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh

Bên cạnh đó, về phát triển kinh tế, tiếp tục tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn, UBND các xã, thị trấn, hướng dẫn nhân dân phát triển nông lâm nghiệp.

Bước chuyển biến trong phát triển kinh tế xã hội ở huyện Bắc Mê tỉnh Hà Giang
Mô hình trồng rau tại Huyện Bắc Mê

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung của 8 xã (Thượng Tân, Giáp Trung, Yên Phong, Phú Nam, Đường Hồng, Đường Âm, Phiêng Luông, Yên Cường). Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các công trình chuyển tiếp năm trước sang và các công trình trong kế hoạch năm 2022 và các công trình xây dựng nông thôn mới đảm bảo theo đúng hợp đồng, tiến độ thanh quyết quyết toán các công trình xây dựng hoàn thành và bàn giao quản lý, khai thác sử dụng theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường và đôn đốc các nhà thầu thi công xây dựng trên địa bàn đảm bảo đúng thiết kế, chất lượng, kỹ thuật, thẩm mĩ, tiến độ theo quy định. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022, đảm bảo đúng kế hoạch, phấn đấu các nguồn vốn được giao giải ngân đạt 100% trong năm.

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ giá cả và chất lượng hàng hóa thị trường; tăng cường giám sát, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch xúc tiến đầu tư. Kiểm tra các hoạt động của các thành phần kinh tế năm 2022. Tiếp tục thực hiện giải thể đối với các HTX hoạt động không hiệu quả, thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các hộ cá nhân kinh doanh trên địa bàn không hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, triển khai thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo đúng quy định. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đúng kế hoạch.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết