Bạc Liêu: Đẩy mạnh sản xuất và quảng bá hiệu quả các sản phẩm OCOP
Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, Bạc Liêu đã và đang tập trung phát triển cũng như đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP.
Đa dạng các sản phẩm OCOP
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn tại Bạc Liêu. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, tỉnh đã triển khai mạnh mẽ chương trình OCOP với mục tiêu phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân và tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng. Những năm qua, Bạc Liêu đã đạt được nhiều kết quả tích cực khi tập trung phát triển các sản phẩm OCOP thuộc nhóm thực phẩm và thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm từ tôm, muối và gạo.
Bạc Liêu hiện có 145 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Ảnh: Báo Pháp luật |
Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu có 145 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (trong đó, có 31 sản phẩm đạt 4 sao và 114 sản phẩm đạt 3 sao) cho 69 chủ thể OCOP. Đặc biệt, có 2 sản phẩm muối tinh và muối hạt Bạc Liêu đang hoàn thành thủ tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP của tỉnh rất phong phú và đa dạng.
Trong đó, có nhiều sản phẩm đã trở thành thương hiệu nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn trên thị trường toàn quốc, như tôm khô Vĩnh Hậu, gạo Một Bụi Đỏ Hồng Dân hay nước mắm Gành Hào. Đây đều là những sản phẩm gắn liền với đặc trưng văn hóa và điều kiện tự nhiên của vùng đất Bạc Liêu.
Việc phát triển sản phẩm OCOP không chỉ dừng lại ở việc gia tăng số lượng mà còn tập trung nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế. Các cơ sở sản xuất được hỗ trợ về công nghệ, quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại
Song song với việc phát triển sản xuất, tỉnh Bạc Liêu đặc biệt chú trọng công tác quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP.
Ông Đặng Minh Pháp - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu - cho biết: “Để người tiêu dùng biết đến sản phẩm OCOP, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại như: Tạo điều kiện để các chủ thể OCOP tham gia hội chợ cấp tỉnh; hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia cũng như quốc tế. Đặc biệt, xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, thúc đẩy hoạt động kết nối cung - cầu. Tỉnh cũng đẩy mạnh liên kết với các sàn thương mại điện tử các tỉnh, thành phố để tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm”.
Bạc Liêu đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP trên nền tảng số. Ảnh chụp màn hình |
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, Chương trình OCOP tại Bạc Liêu vẫn đối mặt với không ít thách thức. Nhiều sản phẩm chưa thể thâm nhập sâu và tiếp cận các kênh tiêu thụ lớn. Trong khi đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư và khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu là những vấn đề cần được giải quyết.
Phát biểu tại Hội nghị Kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP giữa tỉnh Bạc Liêu và các tỉnh, thành phố, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - cho biết: “Việc triển khai chương trình OCOP của Bạc Liêu còn khó khăn, nhiều sản phẩm OCOP chưa thể thâm nhập sâu vào thị trường. Các chủ thể phải là người chủ đạo trong việc quảng bá sản phẩm của mình, đưa sản phẩm vươn xa, giúp phát triển và thu lợi nhuận ổn định hơn. Có như vậy, sản phẩm OCOP mới thật sự là lợi thế để phát triển sản phẩm nông nghiệp, nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững”.
Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị, thời gian tới, các sở, ngành địa phương và chủ thể OCOP cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý chương trình OCOP (cấp tỉnh, cấp huyện) và chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; xây dựng Website để tuyên truyền chương trình và quảng bá các sản phẩm OCOP.
Bạc Liêu tổ chức, tham gia nhiều hội nghị giới thiệu và quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh. Ảnh: Báo Bạc Liêu |
Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thông qua công tác tổ chức hội chợ cấp tỉnh; tham gia các hội chợ cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế (Thái Lan, châu Âu, Nhật Bản), để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh. Đặc biệt, kết nối và quảng bá thương mại sản phẩm OCOP trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử... nhằm góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP trên thị trường.
Trong giai đoạn 2023-2024, Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức và tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng tại 18 hội chợ, triển lãm do các tỉnh, thành phố trong nước tổ chức. Hơn 50 lượt cơ sở, doanh nghiệp và hợp tác xã của tỉnh đã được hỗ trợ tham gia hội chợ, trong đó, chính sách hỗ trợ bao gồm 50% chi phí thuê gian hàng và 50% chi phí vận chuyển.
Các doanh nghiệp cũng được tạo điều kiện tham gia các hội nghị kết nối cung-cầu hàng hóa, mở rộng giao thương trong và ngoài tỉnh. Những hoạt động này không chỉ giúp quảng bá sản phẩm OCOP mà còn mở ra cơ hội kết nối với các đối tác tiềm năng, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm địa phương.
Trong thời gian tới, Bạc Liêu sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết với các đơn vị tiêu thụ lớn, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Mục tiêu là đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa hơn trên thị trường quốc tế, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Việc đẩy mạnh phát triển và quảng bá sản phẩm OCOP đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế nông thôn của tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, để chương trình OCOP phát huy hiệu quả bền vững, tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng kênh phân phối và đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên các nền tảng số.
Với sự đồng hành của các sở, ngành và sự chủ động từ doanh nghiệp, sản phẩm OCOP Bạc Liêu hoàn toàn có thể khẳng định vị thế trên thị trường quốc gia và vươn ra quốc tế, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và bền vững cho địa phương.