A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh Hóa: Trồng cây dược liệu, hướng đi mới giúp đồng bào dân tộc xóa đói, giảm nghèo

Trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao đang là hướng đi mới giúp đồng bào dân tộc ở huyện Lang Chánh nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Những năm gần đây, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đã lồng ghép nhiều chương trình, dự án hỗ trợ, khuyến khích người dân trồng cây dược liệu như: mạch môn đông, bách bộ, ngải cứu, cây đu đủ đực lấy hoa tại xã Trí Nang, giúp đồng bào dân tộc nơi đây nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Cán bộ làm trước, bà con làm theo

Xã Trí Nang, huyện Lang Chánh có 592 hộ với 2.710 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 26,52% với 157 hộ, thu nhập bình quân 42 triệu đồng/người/năm. Xã có hơn 90% đồng bào dân tộc Thái sinh sống.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Vi Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Nang, huyện Lang Chánh cho biết: Thực hiện Nghị quyết Hội đồng nhân dân huyện về phát triển cây dược liệu, xã Trí Nang đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển sang trồng cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao để thay thế cho cây keo, cây mía hiệu quả kinh tế thấp.

Thanh Hóa: Trồng cây dược liệu, hướng đi mới giúp đồng bào dân tộc xóa đói, giảm nghèo
Ông Vi Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Trí Nang giới thiệu cho phóng viên Báo Công Thương về hoa đu đủ đực mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho bà con nơi đây

Trong 3 năm qua, xã Trí Nang đã khiển khai thực hiện việc trồng vùng dược liệu như: Cây mạch môn đông, bách bộ, đinh lăng, ngải cứu, cây đu đủ đực lấy hoa. Hiện xã có trên 10 hộ thực hiện trên diện tích 6ha trồng cây dược liệu và 6,5ha diện tích trồng cây đu đủ đực lấy hoa.

Qua theo dõi, những loại cây dược liệu này rất phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên đang phát triển rất tốt. Thời gian cho thu hoạch cây bách bộ, mạch môn đông khoảng 3 năm, giống của các cây dược liệu do Công ty CP Đông Nam dược miền Trung (có chi nhánh tại xã Đồng Lương, huyện Lanh Chánh) hỗ trợ 50% kinh phí sản xuất ban đầu và cam kết thu mua sản phẩm theo giá thị trường nên bà con rất yên tâm.

Còn đối với cây đu đủ đực lấy hoa khoảng gần 5 tháng đã cho thu hoạch, hiệu quả kinh tế rất cao với 1ha cho thu nhập khoảng 200 triệu/năm. Việc cung cấp giống cũng như bao tiêu sản phẩm đều do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Lang Chánh thực hiện.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hà Đắc Liên, Bí thư Chi bộ bản Hắc, xã Trí Nang cho biết: "Thực hiện chuyển đổi cây trồng phải mất một thời gian dài tuyên truyền vận động bà con. Tuy nhiên, Bí thư thôn rồi trưởng thôn phải làm trước, thì người dân mới làm theo. Cây bách bộ, mạch môn đông thì chưa cho thu hoạch, nhưng riêng cây đu đủ đực lấy hoa cho thu hoạch rất cao. Từ đó bà con rất phấn khởi, hiện nay tất cả bà con trong bản đã thấy được hiệu quả thực tế và triển khai trồng cây dược liệu và cây đu đủ đực lấy hoa. Chúng tôi rất phấn khởi".

Thanh Hóa: Trồng cây dược liệu, hướng đi mới giúp đồng bào dân tộc xóa đói, giảm nghèo
Ông Hà Đắc Liên, Bí thư Chi bộ bản Hắc, xã Trí Nang

"Để bà con trong bản làm theo, tháng 9/2021, gia đình tôi đã trồng cây dược liệu như: cây mạch môn, cây bách bộ, ngải cứu... để thay thế cho diện tích mía, keo hiệu quả kinh tế thấp. Các loại cây dược liệu dược huyện đưa về cho bà con dễ trồng, dễ chăm bón, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu địa phương nên cây sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện tất cả bà con trong bản đã triển khai trồng các cây dược liệu và cây đu đủ đực để nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo”. - ông Liên phấn khởi cho hay.

Còn ông Hà Văn Tuấn, Trưởng bản Hắc cho biết: “Gia đình tôi đã trồng 40 nghìn gốc cây bách bộ trên tổng diện tích 4 ha. Cây hợp với thổ nhưỡng nên phát triển rất tốt. Giống cây đều do Công ty CP Đông Nam dược miền Trung cung cấp và bao tiêu đầu ra nên người dân rất yên tâm”.

Hỗ trợ bà con phát triển cây dược liệu

Nhằm tìm hướng phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững, hiệu quả, năm 2021, UBND huyện Lang Chánh đã phê duyệt đề án phát triển cây dược liệu gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm.

Thanh Hóa: Trồng cây dược liệu, hướng đi mới giúp đồng bào dân tộc xóa đói, giảm nghèo
Ông Hà Văn Tuấn, Trưởng bản Hắc giới thiệu về 40 nghìn gốc cây bách bộ của gia đình phát triển rất tốt.

Ngày 18/7/2022, Hội đồng nhân dân huyện Lanh Chánh đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-HĐND về việc hỗ trợ Đề án "Phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện Lang Chánh năm 2022". Theo đó, huyện Lang Chánh đã hỗ trợ 1 lần 25 triệu đồng/ha các loại cây: bách bộ, mạch môn đông, thiên môn đông, kim ngân hoa; 15 triệu đồng/ha đối với diện tích trồng cây ngải cứu; Chỉ đạo UBND các xã phối hợp với Công ty Đông Nam dược miền Trung tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia vào các chuỗi liên kết, phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Để người dân nắm bắt rõ quy trình trồng, chăm sóc cây dược liệu, UBND huyện Lang Chánh đã giao trách nhiệm tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây dược liệu cho doanh nghiệp để hướng đến hiệu quả cao nhất. Vì vậy các xã, thị trấn trên địa bàn đã tích cực hưởng ứng.

Ông Lê Quang Tùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh cho biết: Thời gian qua, cây dược liệu đã khẳng định được hiệu quả vượt trội so với những loại cây trồng truyền thống khác. Huyện đã phát triển được sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ cây dược liệu. Sản phẩm được tiêu thụ ổn định và có sức cạnh tranh trên thị trường. Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích Nhân dân phát triển, mở rộng diện tích sản xuất cây dược liệu để nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và tiến tới sẽ giúp bà con làm giàu từ cây dược liệu.

Bên cạnh đó, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến các sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhất là thu hút đầu tư, sản xuất và chế biến dược liệu. Tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai các dự án trồng, xây dựng các vườn ươm dược liệu trên địa bàn huyện và hình thành các vùng chuyên canh cây dược liệu ở những nơi có điều kiện, nhằm từng bước giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, xóa đói, giảm nghèo từ cây dược liệu.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh, nhờ xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định tại địa phương không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân trên địa bàn, mà nhiều sản phẩm từ cây dược liệu, phục vụ nhu cầu thị trường. Hiện sản phẩm tinh dầu ngải cứu Herbal Farm đã được công nhận OCOP 3 sao và nhiều sản phẩm đang được xây dựng hồ sơ xét công nhận OCOP cấp tỉnh.

Thanh Hóa: Trồng cây dược liệu, hướng đi mới giúp đồng bào dân tộc xóa đói, giảm nghèo
Cây đu đủ đực lấy hoa đã cho thu hoạch mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đồng bào dân tộc xã Trí Nang nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hoá, hiện tỉnh này có gần 1.000 loài cây dược liệu. Trong đó, có khoảng 20 loài dược liệu quý và chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi như: ba kích, đinh lăng, củ mài, hòe, hương nhu trắng, ích mẫu, quế, sa nhân, huyền sâm, xuyên tâm liên, nghệ vàng, cà gai leo… Trồng cây dược liệu đang mở ra hướng đi mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp đồng bào dân tộc ở huyện Lang Chánh nói riêng và nông dân ở tỉnh Thanh Hóa nói chung nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết