Tại sao giá đường tăng vọt lên mức kỷ lục trong vòng 12 năm?
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày giao dịch 12/9, mặt hàng đường là điểm sáng khi tiếp tục đón nhận lực mua tích cực.
Giá hai mặt hàng đường ghi nhận mức tăng lần lượt 1,63% với đường 11 và 1,81% với đường trắng trong phiên hôm qua. Với mức tăng trên, giá đường đang duy trì ở vùng giá cao trong vòng 12 năm. Thị trường tiếp tục dồn mối lo về sản lượng thấp tại khu vực Châu Á.
Giá cả hai mặt đường tăng cao |
Các nhà phân tích cho biết điều kiện thời tiết bất lợi tại Ấn Độ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất. Cùng với đó, quyết định gia hạn thời gian áp dụng tỷ lệ pha trộn 20% ethanol vào xăng của quốc gia này, khiến lượng mía ép được ưu tiên cho chiết suất ethanol hơn sản xuất đường. Điều này tạo áp lực kép cho sản xuất đường, tăng lo ngại sản lượng sụt giảm và khả năng sẽ cấm xuất khẩu đường vào tháng 10 tới.
Tại Brazil, các nhà phân tích tại Công ty tư vấn hàng hóa S&P Global chỉ ra rằng, các nhà máy tại Brazil đã ép được 46,57 triệu tấn mía trong nửa cuối tháng 8, thấp hơn mức 47,87 triệu tấn trong nửa đầu tháng.
Mưa lớn khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn là nguyên nhân chính khiến sản lượng đường không duy trì được mức cao kỷ lục.
Cụ thể, nhà dự báo Earth Daily Argo cho biết, mưa trong các ngày 25-28/8 khiến lượng mưa tích tụ trung bình 8mm. Điều này khiến hoạt động thu hoạch mía bị gián đoạn tại một số khu vực. Không có nguyên liệu đầu vào nên sản lượng đường cũng bị hạn chế.
Giá đường nội địa được cải thiện |
Tại thị trường Việt Nam, theo đà tăng của giá đường thế giới, giá đường nội địa cũng đã bắt đầu tăng lên kể từ tháng 5/2023. Nhờ các yếu tố thuận lợi về giá đầu ra và hiệu quả từ biện pháp phòng vệ thương mại với một số sản phẩm đường gốc Thái Lan, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường trong nước đã khởi sắc.