Sàn thương mại điện tử góp phần gỡ ‘nút thắt’ nông sản miền núi
Tiêu thụ nông sản miền núi qua thương mại điện tử đang trở thành hướng đi tất yếu nhờ tính tiện lợi, nhanh chóng và chi phí ngày càng hợp lý.
Mở đầu ra cho sản phẩm bằng sàn thương mại điện tử
Mỗi mùa vụ, hàng trăm nghìn tấn nông sản tươi như mận, nhãn, xoài, vải… từ các tỉnh miền núi như Sơn La, Bắc Ninh, Lào Cai lại bước vào thời kỳ cao điểm tiêu thụ. Trong khi đó, khoảng cách địa lý xa, hạ tầng giao thông, công nghệ bảo quản còn hạn chế khiến bài toán đầu ra trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Thống kê từ tỉnh Sơn La cho biết, năm 2025, sản lượng trái cây toàn tỉnh ước đạt trên 510.000 tấn, tăng 31% so với năm 2024. Trong đó, mận gần 100.000 tấn, nhãn khoảng 155.000 tấn, chuối và xoài mỗi loại khoảng 60.000-100.000 tấn. Thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 3 đến tháng 11, đồng nghĩa với áp lực tiêu thụ dồn vào những tháng hè.
Để giảm phụ thuộc vào thương lái và chợ truyền thống, nhiều địa phương đã chủ động tìm đến kênh tiêu thụ mới, đặc biệt là sàn thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Sở Công Thương Sơn La phối hợp với sàn thương mại điện tử nongsan.buudien.vn tiêu thụ mận Yên Châu (Ảnh: Vietnam Post)
Theo đó, mới đây, tại Sơn La, Sở Công Thương Sơn La đã phối hợp với nền tảng thương mại điện tử nongsan.buudien.vn thuộc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) để đưa đặc sản vùng cao như mận Yên Châu, xoài Mường La, táo đại lên kênh thương mại điện tử. Đồng thời, địa phương tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng số cho hợp tác xã, hộ nông dân; triển khai mô hình điểm thương mại điện tử gắn với chuyển đổi số nông nghiệp.
Một trong những cách làm hiệu quả là kết hợp truyền thông trực tiếp và trực tuyến, như tại Lễ hội trái cây, Ngày hội hái mận... tỉnh tổ chức trải nghiệm thực tế, livestream, bán hàng online cùng các KOL để tăng độ nhận diện. Đáng chú ý, sản phẩm được đóng gói, vận chuyển trong thời gian ngắn thông qua hệ thống logistics của đơn vị vận hành sàn, bảo đảm độ tươi, chất lượng và truy xuất nguồn gốc.
Đơn cử, ngày 14/6/2025, tại xã Phiêng Khoài đã chính thức khai mạc Phiên Mega Livestream Chợ phiên OCOP Sơn La, mở đầu cho chuỗi hoạt động cao điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản vào mùa thu hoạch. Trong gần 3 giờ, phiên Mega Live đã tiếp cận gần 4 triệu người tiêu dùng, bán ra khoảng 3.000 đơn hàng. Đây là một con số ấn tượng cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của mô hình thương mại số đối với tiêu thụ nông sản vùng cao.
Hoặc tại Bắc Ninh, ngay từ những ngày giữa tháng 4, sàn thương mại điện tử nongsan.buudien.vn cùng Bưu điện tỉnh Bắc Giang (nay là Bưu điện tỉnh Bắc Ninh) đã phối hợp chặt chẽ với Hội nông dân tỉnh, UBND các địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình để nắm bắt nhu cầu tiêu thụ từng mặt hàng nhằm bố trí phương án hỗ trợ cụ thể với hiệu quả cao nhất. Kết quả, hàng nghìn đơn hàng được vận hành nhanh chóng, không chỉ tiêu thụ nội địa mà còn góp phần khẳng định thương hiệu vải thiều trên thị trường.
Đặc biệt, sàn thương mại điện tử nongsan.buudien.vn còn giúp vận chuyển hàng chục tấn vải thiều đến khắp mọi miền Tổ quốc chỉ trong thời gian tối đa chưa đến 2 ngày, đảm bảo quả vải khi đến tay đối tác vẫn trở thành món quà tươi ngon, giữ được hương vị đặc trưng như vừa thu hoạch. Sự vào cuộc tích cực của Bưu điện tỉnh góp phần tiêu thụ nông sản một cách hiệu quả, nâng cao uy tín, thương hiệu vải thiều trên thị trường, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử ngày càng mạnh mẽ.
Thương mại điện tử không chỉ là "đưa sản phẩm lên sàn"
Những hiệu quả thu được đã rõ, song trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương chia sẻ, thực tế cho thấy, để thương mại điện tử trở thành công cụ hiệu quả hỗ trợ tiêu thụ nông sản miền núi, không thể chỉ dừng ở việc đăng bán sản phẩm. Chuỗi hoạt động cần đi kèm gồm: hỗ trợ kỹ thuật số cho nông dân, tư vấn pháp lý - chứng nhận, xây dựng bộ nhận diện sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và đặc biệt là kết nối vận chuyển, giao hàng nhanh.
Ngoài ra, mỗi sản phẩm cũng cần được "kể chuyện", tức là xây dựng câu chuyện thương hiệu, văn hóa bản địa, vùng miền, giúp người tiêu dùng không chỉ mua sản phẩm mà còn hiểu, trân trọng giá trị gắn với nó. Đây là xu hướng người tiêu dùng thành thị ngày càng coi trọng.
Theo một số doanh nghiệp thương mại điện tử, vấn đề lớn nhất hiện nay vẫn là chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, thiếu năng lực tự sản xuất nội dung, hình ảnh khiến sản phẩm chưa tạo được ấn tượng rõ ràng với khách hàng. Đồng thời, việc thiếu phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị vận chuyển, sàn, chính quyền… dẫn đến rủi ro hàng chậm, hàng hỏng, đơn hàng thất thoát.
Những mô hình hiệu quả như Sơn La hay Bắc Ninh là điểm sáng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để thương mại điện tử thực sự phát huy vai trò tại các vùng khó khăn, cần nhiều hơn nữa sự vào cuộc của các bên. Trong đó, chính quyền địa phương cần đóng vai trò điều phối, hỗ trợ HTX, hướng dẫn thủ tục pháp lý, quy chuẩn sản phẩm. Các doanh nghiệp nền tảng cần tăng cường năng lực đào tạo kỹ thuật số, đồng hành hỗ trợ truyền thông, logistics, đổi mới cách bán hàng (livestream, tiếp thị số…). Người dân, HTX cần chủ động học hỏi, đổi mới tư duy, đầu tư vào chất lượng và thương hiệu sản phẩm.
Chuyển đổi số trong tiêu thụ nông sản không còn là “lựa chọn”, mà là xu thế tất yếu. Nhất là với các địa phương miền núi, nơi rào cản về địa lý, hạ tầng luôn tồn tại thì thương mại điện tử chính là cánh cửa để nông sản bước vào hệ sinh thái hiện đại, minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả. “Về lâu dài, cần có cơ chế chính sách riêng thúc đẩy tiêu thụ nông sản vùng dân tộc thiểu số và miền núi qua thương mại điện tử như ưu đãi thuế, logistics, tín dụng, kết nối vùng nguyên liệu – sản xuất – tiêu thụ đồng bộ” - TS Lê Quốc Phương chia sẻ.
Để thương mại điện tử thực sự giúp bà con miền núi “được mùa, được giá”, cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư bài bản và quyết tâm thay đổi từ tất cả các bên: từ hộ sản xuất nhỏ lẻ đến nhà quản lý, từ doanh nghiệp công nghệ đến người tiêu dùng cuối cùng.