Phát huy thế mạnh nông nghiệp từ mô hình sản xuất rau an toàn
Để phát huy thế mạnh địa phương và phát triển kinh tế nông nghiệp, nhiều Hợp tác xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tích cực tập trung sản xuất rau an toàn, ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa phát huy được thế mạnh nông nghiệp.
Hiệu quả từ mô hình trồng rau an toàn
Những luống cải mơ, cải ngọt xanh non trải dài với hệ thống nhà lưới, áp dụng quy trình trồng rau VietGAP là nơi cung cấp rau sạch cho thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Đó chính là những luống rau của bà con tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức.
Mô hình trồng rau an toàn tại Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ dân. |
Hiện nay, Hợp tác xã không chỉ cung cấp cho thị trường nguồn nông sản an toàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp cải thiện môi trường làm việc và bảo đảm sức khỏe cho chính người nông dân tham gia sản xuất do không phải tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu độc hại.
Tay vừa xới đất, trồng những cây rau cải ngọt, ông Nguyễn Khắc Vinh, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ cho biết, gia đình ông trồng rau hơn 10 năm nay. Trước kia, gia đình trồng theo phương thức truyền thống, tuy nhiên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau này, khi mới bắt đầu thực hiện mô hình rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, người dân thường xuyên được tập huấn chuyển giao kỹ thuật, được hỗ trợ các kiến thức ghi nhật ký cấy giống, quy định về sử dụng thuốc bảo vệ, sử dụng nguồn nước, chăm sóc và thu hoạch rau.
“Canh tác sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP vừa tạo việc làm cho các hộ dân trong Hợp tác xã, vừa đem lại hiệu quả kinh tế, sản phẩm làm ra đều đảm bảo chất lượng, an toàn, ít rủi ro, vừa tiết kiệm sức lao động và loại bỏ tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu, hóa chất gây hại cho môi trường”, ông Nguyễn Khắc Vinh chia sẻ.
Các cây giống được lựa chọn tốt để gieo trồng hiệu quả. |
Để đảm bảo quy trình sản xuất khoa học, các thành viên tham gia sản xuất trong Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ được huấn luyện về quản lý dịch bệnh gây hại tổng hợp, tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn hướng VietGAP, 100% phân bón là phân sinh học, phân gà ủ, thuốc bảo vệ thực vật được thay thế bằng các chế phẩm sinh học hoặc làm thủ công (làm cỏ, bắt sâu bọ bằng tay).
Bên cạnh đó, Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ còn đầu tư hệ thống nhà lưới giúp hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, giảm bay hơi nước, duy trì độ ẩm, hạn chế rửa trôi, xói mòn, sâu bệnh… Qua đó, giúp người nông dân tăng năng suất và chất lượng rau màu, giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu, góp phần không nhỏ giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thuỷ - thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ chia sẻ: “Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP với sản phẩm làm ra đều đảm bảo chất lượng, an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường; đặc biệt hiệu quả kinh tế cũng tăng lên nhiều so với cách làm truyền thống trước đây. Nhờ vậy đầu ra của sản phẩm rất ổn định. Ước tính bình quân mỗi vụ rau cho thu nhập khoảng 10.000.000 đồng/vụ”.
Kết hợp khai thác du lịch trải nghiệm
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch trải nghiệm đang là xu hướng phát triển bền vững. Sự kết hợp giữa sản xuất với hoạt động trải nghiệm du lịch tạo cho du khách có thêm những kiến thức thú vị về sản phẩm, góp phần gia tăng lợi ích kinh tế.
Các em nhỏ được trải nghiệm làm “nông dân nhí” tại vườn Nông sản sạch Vinh Hà. |
Vườn Nông sản sạch Vinh Hà, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên đã kết hợp sản xuất nông nghiệp gắn với khai thác du lịch. Đây là hình thức canh tác mới, còn xa lạ với nhiều người tiêu dùng nên tour tham quan vườn rau được thiết kế nhằm mục đích giúp người tiêu dùng hiểu được nguồn gốc và giá trị của rau, củ, quả hữu cơ sau khi đã có những trải nghiệm thực tế.
Chủ nhật cuối tuần, nhiều gia đình có con nhỏ đã lựa chọn về vườn Nông sản sạch Vinh Hà làm nơi thư giãn sau một tuần làm việc và học tập căng thẳng. Một ngày ở đồng ruộng, du khách tham quan sẽ được tham gia vào hoạt động trồng rau, cách nhận biết các loại rau ăn thường ngày, đặc biệt có thể biết được cách phân biệt rau thường và rau hữu cơ. Ngoài ra, du khách được tự mình hái rau để cùng chế biến các món ăn từ nguyên liệu sạch, phục vụ bữa trưa tại cơ sở.
Bà Đồng Thị Vinh, chủ cơ sở sản xuất Nông sản sạch Vinh Hà cho biết: “Khi đến trải nghiệm thực tế tại cơ sở sản xuất, khách tham quan sẽ được tham gia trực tiếp vào chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ, hiểu được lợi ích của mô hình trồng rau hữu cơ, để từ đó giới thiệu và quảng bá sản phẩm rau sạch an toàn đến với người tiêu dùng”.
Mô hình trồng rau an toàn kết hợp với du lịch trải nghiệm là một trong những hướng đi triển vọng, tạo ra vùng nông sản hàng hóa an toàn, gắn kết theo chuỗi giá trị giúp nâng cao hiệu quả, thu nhập cho người sản xuất. Thông qua thực hiện mô hình, không chỉ giúp các hộ dân nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần nâng cao nhận thức cho các hộ dân về việc sản xuất rau an toàn đạt chuẩn, tạo ra các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường.