Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguồn cung chỉ còn 300.000 tấn, giá cà phê tiến đến mốc 120.000 đồng/kg

Thông tin về nguồn cung sắp cạn cùng nhu cầu thế giới ở mức cao đã đẩy giá cà phê trong nước hôm nay cán mốc trên 108.000 đồng/kg và có thể còn tăng.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê, hiện nay vùng trồng cà phê của Việt Nam đang đối mặt với tình trạng diện tích bị thu hẹp. Khô hạn do nắng nóng gay gắt và mực nước ngầm giảm sâu dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới nên sản lượng cà phê niên vụ tới có thể tiếp tục sụt giảm.

Trong khi đó, nhu cầu thị trường tiếp tục ở mức cao và Việt Nam đang là nguồn cung cà phê lớn thứ hai trên thế giới; đồng thời, niên vụ 2023/24 Việt Nam cũng là nước thu hoạch đầu tiên nên tác động mạnh tới giá của thế giới.

Nguồn cung chỉ còn 300.000 tấn, giá cà phê tiến đến mốc 120.000 đồng/kg
Giá cà phê tiếp tục tăng, gần chạm mốc 110.000 đồng/kg

Theo đó, giá cà phê robusta tối qua sàn London đóng cửa với mức tăng 66 USD, kỳ hạn giao tháng 5 lên mốc 3.843 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trên sàn London kể từ đầu năm. Kỳ hạn giao tháng 7 còn tăng mạnh hơn, đến 75 USD lên mức 3.790 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 9 tăng 67 USD lên 3.702 USD/tấn….

Giá thế giới tăng đã kéo giá cà phê Tây Nguyên tăng từ 1.500 - 1.700 đồng/kg trong ngày 12/4. Hiện giá cà phê Đắc Nông 108.500 đồng/kg, Đắk Lắk 108.300 đồng/kg, Gia Lai 108.200 đồng và Lâm Đồng 108.000 đồng/kg.

Tại cuộc họp Ban Chấp hành mở rộng của Hiệp hội Cà phê - Ca Cao Việt Nam (VICOFA) ngày 11/4, ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, đồng thời là Phó Chủ tịch VICOFA đã nhận định: Doanh nghiệp đang giao dịch ở mức 105.000-110.000 đồng/kg. Nếu giá cà phê tăng lên 120.000 đồng/kg cũng là bình thường.

Nhận định này xuất phát từ thực tế nhu cầu thế giới cao trong khi nguồn cung từ Việt Nam đang cạn kiệt. Cụ thể, trong 6 tháng vừa qua Việt Nam đã xuất khẩu gần 1 triệu tấn cà phê, sản lượng tồn kho ước chỉ còn khoảng 300.000 tấn. Như vậy, khả năng chỉ 2 tháng nữa Việt Nam cũng không còn nguồn cung. Trong khi đó, niên vụ mới đến tháng 10 mới bắt đầu thu hoạch.

Việc giá cà phê tăng nóng đang ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng cà phê, đặc biệt, đã xảy ra tình trạng các bên tham gia chuỗi không giao hàng theo đúng hợp đồng đã ký dù đã bàn bạc chia sẻ rủi ro.

Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA khuyến cáo: Để ngành cà phê phát triển bền vững, các bên liên quan chuỗi giá trị cần chia sẻ rủi ro, tăng cường hợp tác lẫn nhau. Cụ thể, các doanh nghiệp FDI cần hợp tác với VICOFA nhiều hơn để có thể làm việc trực tiếp với những doanh nghiệp xuất khẩu lớn, uy tín cao; tránh tình trạng thu mua từ các doanh nghiệp nhỏ lẻ thiếu uy tín. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam hạn chế tình trạng mua xa bán xa để hạn chế rủi ro. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ vốn từ các ngân hàng để có đủ vốn thu mua cà phê trong dân, vì giá cà phê liên tục tăng mạnh dễ gây thiếu hụt nguồn vốn để mua hàng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...