Nắm bắt ưu thế thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa vùng đồng bào dân tộc
Thời gian qua, các địa phương có đồng bào dân tộc đã kịp thời nắm bắt cơ hội, tận dụng ưu thế của thương mại điện tử để chủ động phân phối hàng hóa.
Thương mại điện tử tác động như thế nào đến thị trường miền núi? Đâu là bài toán ưu tiên để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của bà con miền núi qua kênh thương mại điện tử? Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia kinh tế - Trịnh Thị Thanh Thủy, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương để nhìn rõ hơn những vấn đề này.
Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, thời gian gần đây một số địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã thí điểm và phát triển lĩnh vực mua bán trực tuyến, nhờ đó những nông sản vùng cao đã được quảng bá rộng rãi, sản phẩm đến tay người tiêu dùng cả nước, thậm chí xuất khẩu. Dưới góc độ chuyên gia, bà có nhận xét thế nào về mô hình này?
Trong thời gian qua, hoạt động mua bán trực tuyến ngày càng phát triển mạnh. Đặc biệt Covid-19 cũng là một cú hích mạnh mẽ để các nhà sản xuất, nhà phân phối nhìn nhận lại cách đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng nhanh nhất, hiệu quả nhất. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ với ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo nên nền tảng cho phương thức mua bán trực tuyến vận hành. Đồng thời, Chính phủ và các cấp lãnh đạo đang rất quyết liệt trong câu chuyện chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng số. Có thể nói đây là “thiên thời, địa lợi” để phát triển mua bán trực tuyến, thương mại điện tử.
Chuyên gia kinh tế - Trịnh Thị Thanh Thủy, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương |
Mô hình mua bán trực tuyến đã khắc phục được rất nhiều khó khăn, hạn chế trong tiêu thụ sản phẩm của bà con nông dân, đó là khoảng cách địa lý, sản xuất không tập trung, thông tin đến với người tiêu dùng...
Mô hình này có 2 đặc điểm, tính chất rõ rệt: một là tự phát, hai là chủ động. Kênh tự phát có thể thấy qua nhiều trang mạng xã hội do bà con tự quảng bá và bán sản phẩm. Kênh chủ động là các cấp chính quyền địa phương, Sở Công Thương tại các địa phương cũng đã vào cuộc để cùng với bà con, doanh nghiệp đưa thông tin, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; các thông tin về sản phẩm, mùa vụ, chất lượng sản phẩm đến được với người tiêu dùng một cách nhanh nhất, nhờ đó người tiêu dùng biết được sản phẩm đó ở đâu, mua bán bằng cách nào, làm sao để tiếp cận được những sản phẩm đó.
Tôi cho rằng đây là một mô hình hiện đại, phù hợp và đang đem lại nhiều lợi ích cho những người tạo ra sản phẩm cũng như người sử dụng sản phẩm.
Bên cạnh đó, mô hình mua bán trực tuyến đã tác động rất nhiều đến tính chất sản xuất tự cung tự cấp của bà con. Từ mô hình này mà phương thức sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đang chuyển dịch mạnh mẽ sang sản xuất hàng hóa, phù hợp với mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới là phát triển nền kinh tế thị trường.
Chúng ta cần bàn tiếp câu chuyện là làm thế nào, cần dùng cách thức, phương tiện, điều kiện gì để mô hình này được tổ chức, diễn ra hiệu quả.
Theo bà, những khó khăn, thách thức khi xây dựng thương hiệu của vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi trên kênh thương mại điện tử là gì?
Không chỉ trong thương mại điện tử mà ngay cả trong thương mại truyền thống, chúng ta cũng đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho tất cả các loại sản phẩm.
Khi lên sàn thương mại điện tử trong nước, nước ngoài, sản phẩm có thương hiệu sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng yên tâm sử dụng; khi có thương hiệu thì đồng nghĩa với việc sản phẩm có chất lượng đồng đều, bền vững qua từng năm.
Nắm bắt ưu thế thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa vùng đồng bào dân tộc |
Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu là một bài toán khó. Để xây dựng thương hiệu cho một sản phẩm, cần đáp ứng nhiều yêu cầu: Thương hiệu là gì? Quy trình xây dựng và bảo vệ thương hiệu trong nước, ngoài nước như thế nào?... Đây là cả một vấn đề lớn, đặc biệt tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Chưa nói đến thương hiệu, bây giờ chỉ nói đến chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa hoặc mã số vùng trồng khi muốn xuất khẩu. Muốn đáp ứng được những điều này đã có rất nhiều gạch đầu dòng: Yêu cầu về quy trình sản xuất, quy mô sản xuất, diện tích, sản lượng, chất lượng đồng đều…. Khi chúng tôi đi khảo sát tại các địa phương, rất nhiều bà con vùng dân tộc thiểu số miền núi có quy mô sản xuất nông sản không đủ lớn, tính chất của chất lượng sản phẩm không đồng đều, mỗi mảnh vườn, mảnh ruộng lại cho ra sản phẩm với mẫu mã, kích thước khác nhau.
Vậy thì đối với câu chuyện xây dựng thương hiệu phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chuẩn, đối với hàng hóa, cả về chất lượng và số lượng là bài toán rất khó, cần có những giải pháp thỏa đáng.
Thương hiệu sản phẩm được xây dựng trên cơ sở mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa… như tôi đã đề cập. Do đó, ở giai đoạn này, với câu hỏi làm thế nào để xây dựng thương hiệu, chúng ta sẽ nói đến việc phải xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, ứng dụng blockchain để định danh, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông sản... Chúng ta đảm bảo những điều đó trước để có thể đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, đưa ra được thị trường trong nước và ngoài nước, sau đó chúng ta tiếp tục đi tìm giải pháp xây dựng thương hiệu.
Để phát triển thương mại điện tử thì các địa phương miền núi rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương, nhất là việc đầu tư hỗ trợ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số. Dưới góc độ chuyên gia, bà có gợi ý thêm giải pháp nào?
Thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới phục vụ xuất nhập khẩu là xu hướng tất yếu, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay. Lợi ích nó mang lại là không thể phủ nhận. Nhưng để phát triển thương mại điện tử cần có những điều kiện gì? Hay nói cách khác là cần hệ sinh thái như thế nào cho thương mại điện tử phát triển?
Trước hết là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng viễn thông, những yếu tố này chúng ta đang làm tốt. Điện, Internet đã phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, sự vào cuộc của chính quyền các địa phương cũng rất thiết thực, không chỉ dừng ở tuyên truyền mà còn “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bà con sử dụng thiết bị để quảng bá sản phẩm, livestream, giới thiệu hàng hóa…
Ở đây tôi sẽ nhấn mạnh về hai yếu tố: Logistics và nguồn nhân lực.
Thương mại điện tử thì phải có dịch vụ logistics. Không có dịch vụ logistics thì không có thương mại điện tử. Đây là điều kiện tất yếu. Buôn bán, xuất khẩu nông sản thì hàng hóa bảo quản ở nhiệt độ bao nhiêu, thời gian như thế nào, điều kiện bảo quản cho nông sản ra sao để sản phẩm sang đến thị trường nước ngoài vẫn tươi mới, đóng gói, thanh toán như thế nào?... Tất cả những vấn đề này đều gắn với logistics.
Thêm vào đó, trong thương mại điện tử, chi phí vận chuyển, chi phí logistics còn cao hơn giá trị của hàng hóa. Vậy thì khắc phục như thế nào để sản phẩm đến với người tiêu dùng cuối cùng với giá cả hợp lý? Đây cũng là câu chuyện liên quan đến phát triển logistics. Vì vậy, phát triển thương mại điện tử phải song song với phát triển dịch vụ logistics.
Về nguồn nhân lực, chúng ta không chỉ chú trọng đến nhân lực thương mại điện tử hay nhân sự cho dịch vụ logistics mà cũng phải chú trọng đến nguồn nhân lực sản xuất ra sản phẩm. Cần đào tạo bà con nông dân, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để họ thay đổi thói quen sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo mô hình kinh tế thị trường. Việc thay đổi nhận thức, tập quán, thói quen sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là rất quan trọng để đáp ứng việc cung cấp hàng hóa, sản phẩm đúng quy trình, đảm bảo chất lượng.
Xin cảm ơn bà!