Làm giàu từ mô hình chăn nuôi dê sinh sản
Được triển khai từ đầu năm 2020, mô hình Chăn nuôi dê sinh sản dưới tán rừng và vùng đệm do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai đã thu hút được sự quan tâm của nhiều hộ gia đình. Tận dụng quỹ đất rộng và nguồn thức ăn tự nhiên, nhiều hộ gia đình đã thành công trong triển khai mô hình, đưa lại hiệu quả kinh tế cao.
Thu hàng trăm triệu mỗi năm từ nuôi dê sinh sản
Xã Yên Bình là một trong những xã vùng núi khó khăn của huyện Thạch Thất. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, tuy nhiên, do chưa có con giống và cây trồng phù hợp nên đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Xác định đây là một trong những địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp với phát triển nuôi dê sinh sản, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã phối hợp với chính quyền huyện Thạch Thất chọn điểm, chọn hộ để thực hiện mô hình Chăn nuôi dê sinh sản dưới tán rừng và vùng đệm.
Ông Cấn Văn Phúc chia sẻ về hiệu quả mô hình Chăn nuôi dê sinh sản với cán bộ khuyến nông của thành phố Hà Nội và huyện Thạch Thất. Ảnh: Lương Hằng |
Gia đình ông Cấn Văn Phúc, thôn 1 Yên Bình, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất là một trong những gia đình khó khăn được lựa chọn tham gia thực hiện mô hình Chăn nuôi dê sinh sản. Trước đây, nguồn kinh tế chính của gia đình ông phụ thuộc vào công việc làm nông nghiệp và trồng trọt. Theo phong trào của người dân địa phương, ông Phúc trồng bưởi với mong muốn sẽ cải thiện nguồn thu cho gia đình. Thế nhưng, câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa khiến ông vô cùng chán nản.
Với lợi thế có trên 10 ha rừng phòng hộ và nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có, ông Phúc quyết tâm thử sức với mô hình Chăn nuôi dê sinh sản. Theo ông Phúc, việc nuôi dê không quá khó khăn và không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp. Nguồn thức ăn chủ yếu của dê là các loại lá như: Lá xoan, lá vải và các loại lá cây khác nên không phải đầu tư thức ăn. Với diện tích rừng phòng hộ lớn, đàn dê của gia đình được chăn thả riêng biệt nên không bị lây bệnh. Từ những con giống ban đầu, tính đến thời điểm hiện tại, đàn dê của ông Phúc đã lên tới 46 con, trong đó có 15 con dê nái đang trong thời gian sinh sản.
Do được nuôi thả nên dê của gia đình ông Phúc không lo về đầu ra. Dê nái trong 1 năm sẽ đẻ được 3 con dê con. Với mỗi con dê trưởng thành sẽ đạt từ 25-30 kg. Hiện nay, ông Phúc đang bán dê hơi với giá 160 nghìn đồng/kg. Như vậy, với 15 dê nái, ông Phúc có thể mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Tương tự, anh Lê Văn Tiến, thôn Thanh Hà, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội cũng triển khai mô hình Chăn nuôi dê sinh sản dưới tán rừng và vùng đệm từ năm 2020. Từ 10 con giống ban đầu, trong đó có 9 con cái và 1 con đực, tới nay đàn dê của anh đã có trên 50 con giống, trong đó có hơn 30 dê sinh sản. Không chỉ cho dê ăn thức ăn tự nhiên, anh Tiến cũng bổ sung nguồn tinh bột cho dê mẹ. Mỗi ngày anh cho dê mẹ ăn từ 2-3 lạng cám ngô nghiền nhằm cung cấp thêm dinh dưỡng cho dê trong thời gian nuôi con.
Anh Tiến cho biết, năm nay nhu cầu thịt dê rất cao, đàn dê của anh không đủ cung cấp cho thị trường. Giá thịt dê đực dao động từ 150-170 nghìn đồng/kg; thịt dê cái dao động từ 130-150 nghìn đồng/kg. “Với vùng có địa thế như địa phương mình thì mô hình chăn nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người dân. Qua việc chăn nuôi dê có thể giảm nghèo bền vững cho các hộ khó khăn, từ đó giúp các hộ gia đình ổn định cuộc sống” - anh Tiến cho hay.
Chia sẻ về mô hình Chăn nuôi dê sinh sản dưới tán rừng và vùng đệm tại địa phương, bà Vương Thị Chung, Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất cho biết, quá trình triển khai mô hình nuôi dê ban đầu gặp khó khăn ở công tác chọn điểm, chọn hộ, đặc biệt là các hộ miền núi là người dân tộc thiểu số, trình độ tiếp thu khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, dê ban đầu cấp về địa phương do thay đổi môi trường sống nên cũng gặp một số bệnh như rối loạn tiêu hóa, viêm loét miệng. Tuy nhiên với những bệnh này, cán bộ thú y đã phối hợp với các hộ khắc phục tương đối tốt, điều trị hiệu quả.
“Qua nhận xét, mô hình Chăn nuôi dê sinh sản tương đối phù hợp với quy hoạch phát triển vùng, đặc biệt là vùng miền núi, vùng đệm như huyện Thạch Thất. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, mở rộng quy mô chăn nuôi đến nhiều hộ hơn.”- bà Chung khẳng định.
Sát sao trong triển khai thực hiện mô hình
Từ 2020 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng và triển khai 3 dạng mô hình Chăn nuôi dê sinh sản với tổng quy mô 682 con dê (620 con dê cái, 62 dê đực) thực hiện tại 11 xã thuộc các huyện Thạch Thất, Mỹ Đức, Sóc Sơn và Thị xã Sơn Tây với 46 hộ tham gia. Với từng đối tượng sẽ có chính sách hỗ trợ khác nhau. Cụ thể, năm 2020, mô hình Chăn nuôi dê sinh sản dưới tán rừng và vùng đệm hỗ trợ các hộ vùng núi 70% (con giống, thức ăn); năm 2021 và năm 2022 mô hình triển khai vùng đồng bằng hỗ trợ các hộ tham gia 50% (con giống, thức ăn).
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi - Thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội), mô hình Chăn nuôi dê sinh sản được triển khai với mục tiêu nâng cao kiến thức kỹ thuật về quản lý dê sinh sản cho người dân đáp ứng yêu cầu chăn nuôi dê sản suất hàng hoá nhằm tăng thu nhập ổn định, phát triển nghề nuôi dê, khai thác nguồn lực các vùng gò đồi, bán sơn địa và các vùng đồng bằng có đất chăn nuôi trên địa bàn Thành phố. Cùng đó, thay đổi tập quán chăn nuôi dê quảng canh sang áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi và quản lý dê sinh sản, đưa các giống dê lai có năng suất chất lượng cao, kết hợp khai thác sữa thịt, nâng cao năng suất và hiệu quả chăn nuôi dê của địa phương.
Qua quá trình triển khai, các mô hình đều cho kết quả tốt, đàn dê sinh sản phát triển nhanh về số lượng. Riêng năm 2021, sau 12 tháng triển khai, đàn dê không xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ nuôi sống đạt 100% (dự toán ≥ 95%). Từ quy mô 120 con dê cái đã sinh sản được 194 con dê con và có 96 con dê đang chửa lứa 2, số con sơ sinh/lứa đạt 1,6 con/lứa, 1 dê cái sinh sản/năm là 1,7 lứa. Với quy mô 20 dê cái + 2 dê đực/hộ 1 năm sinh sản từ 40 - 60 con/năm, thời gian nuôi dê con 7 tháng có thể xuất chuồng đạt trọng lượng 25 kg/con x 150.000 đồng/kg cho thu nhập bình quân từ 150-200 triệu đồng, cho lãi suất 50-100 triệu đồng/hộ/năm.
Để mô hình Chăn nuôi dê sinh sản đạt được các kết quả trên là nhờ sự vào cuộc sát sao của cán bộ khuyến nông Thành phố tới cơ sở. Theo đó, cán bộ khuyến nông thường xuyên bám sát, trực tiếp tham gia thực hiện cùng hộ nuôi, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi theo từng giai đoạn sinh sản của đàn dê. Công tác chọn điểm, chọn hộ thực hiện theo kế hoạch, 100% các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật.
Công tác hỗ trợ con giống được thực hiện đúng nguyên tắc, đảm bảo đủ số lượng, đúng chất lượng và kịp thời theo dự toán, yêu cầu của mô hình. Cán bộ kỹ thuật, cán bộ chỉ đạo mô hình thường xuyên theo dõi, bám sát, hướng dẫn hộ chăm sóc, quản lý, ghi chép sổ nhật ký, cách phòng bệnh cho dê…
Có thể khẳng định, mô hình chăn nuôi dê sinh sản do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho các hộ gia đình tại các vùng đồi gò. Cùng đó, việc phát triển giống dê lai có tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng sinh sản tốt cũng sẽ giúp người dân yên tâm mở rộng mô hình, tạo thương hiệu cho địa phương, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ gia đình./.