A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm giàu từ cây mai trắng

Tản Lĩnh là một xã miền núi nằm ở phía Tây Nam của huyện Ba Vì (Hà Nội), cách trung tâm huyện khoảng 14km. Tại địa phương, có hai dân tộc chính là Kinh và Mường, ngoài ra còn có một vài dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn. Đáng chú ý, những năm qua, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi lan tỏa rộng khắp Tản Lĩnh. Mô hình phát triển kinh tế từ cây mai trắng là một điển hình.

Từ phát triển kinh tế

Tại khu vực ngoại thành Hà Nội, kinh nghiệm thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên và nhu cầu của thị trường đã và đang góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp của địa phương. Xã Tản Lĩnh cũng vậy. Đây là một trong số những địa phương điển hình về sự chuyển dịch kinh tế phù hợp, phát triển các mô hình mang lại hiệu quả thu nhập cao cho người dân như trồng hoa mai trắng, chăn nuôi đà điểu…

Làm giàu từ cây mai trắng
Cây mai trắng “bén duyên” ở Tản Lĩnh, mang lại kinh tế cao cho người nông dân. Ảnh: Giang Nam

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân xã Tản Lĩnh, nhờ sự chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương không ngừng được nâng cao. Hiện tỷ lệ hộ nghèo tại đây cũng được giảm dần qua các năm. Cụ thể, năm 2018, Tản Lĩnh có 218 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 4,95%; năm 2019, có 189 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 3,3%; năm 2020, còn 73 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 1,83%. Riêng trong năm 2021, xã Tản Lĩnh còn 34 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,83%.

Với mô hình phát triển kinh tế từ cây mai trắng, nổi bật ở Tản Lĩnh phải kể đến thôn An Hòa. Nơi đây hiện có 257 hộ với 1.110 nhân khẩu. Cây mai trắng “bén duyên” với mảnh đất này vào khoảng năm 1994, khi được một số hộ dân trong thôn đem từ Nam Trực (Nam Định) về trồng tại vườn nhà. Sau một vài năm trồng, chăm sóc, các hộ dân trong vùng nhận thấy đây là một loài hoa có vẻ đẹp thanh tao, có khả năng chuyển sắc, khi mới nở thì có màu trắng, gần tàn cánh hoa lại chuyển sang màu hồng, là loài hoa thuộc “Tứ đại danh hoa xưa” được các bậc vua chúa chơi mỗi dịp tết đến xuân về.

Đáng chú ý, là loài hoa quý và có phần “khó tính” song cây mai trắng lại tỏ ra phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu mát mẻ ở Tản Lĩnh. Chứng kiến cây sinh trưởng và phát triển tốt, các hộ gia đình như: ông Đỗ Quang Quân, Đỗ Tuấn Hải, Bùi Văn Hà, Khuất Văn Thế, Đỗ Quang Thái… đã mạnh dạn tìm cách nhân giống, để mở rộng mô hình. Đồng thời tìm cách tạo dáng thế cho cây để tăng độ thẩm mỹ và giá trị cây mai trắng.

Từ vài chục gốc của các hộ đầu tiên trồng cây mai trắng, các hộ dân thôn An Hòa đã cùng học tập, làm theo. Đến nay cả thôn có 257 hộ thì có hơn 150 hộ trồng mai trắng với diện tích hơn khoảng 40ha với hàng vạn gốc mai. Ước tính mỗi năm nơi đây xuất bán ra thị trường hàng nghìn gốc mai thế và hàng vạn cây mai giống. Cây mai trồng trên đất An Hòa giúp người dân tận dụng hết diện tích vườn nhà thậm chí thuê thầu thêm đất, loại cây hoa này cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với loại cây khác. Bình quân, các hộ trồng mai có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm, cá biệt một số hộ doanh thu từ hơn 1 tỷ đến 2 tỷ đồng/năm.

Đến nay, phong trào phát triển cây mai trắng tại thôn An Hòa rất mạnh, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, câu lạc bộ trồng cây mai trắng thôn An Hòa đã ra đời với 21 thành viên. Nhờ có cây mai trắng, đời sống của người dân trong thôn ngày càng được cải thiện, cây đã trở thành cây mũi nhọn và thu nhập chính cho nhân dân nơi đây.

Nâng cao đời sống tinh thần

Không chỉ phát triển kinh tế, tại Tản Lĩnh, để chung sức xây dựng nông thôn mới, góp phần làm cho diện mạo Tản Lĩnh ngày càng phát triển, Hội Phụ nữ xã đã triển khai mô hình “Biến rác thải thành tiền” và “Đoạn đường phụ nữ nở hoa”. Chẳng hạn, với mô hình xây dựng “Đoạn đường phụ nữ nở hoa”, được biết ngay từ năm 2017, Hội Phụ nữ xã Tản Lĩnh đã chọn làm điểm ở thôn Yên Thành. Tại đây, Chi hội phụ nữ đã vận động chị em mua một số loại hoa để trồng. Đoạn đường nở hoa dài 100m với bàn tay chị em phụ nữ đã góp phần làm đẹp cho quê hương.

Tận dụng thế mạnh tự nhiên, nhiều hộ dân xã Tản Lĩnh đã tìm cách trau dồi kỹ năng, chuyển đổi sản xuất, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đáng chú ý, tại Tản Lĩnh, cây mai trồng trên đất An Hòa đã và đang giúp người dân tận dụng hết diện tích vườn nhà thậm chí thuê thầu thêm đất, loại cây hoa này cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với loại cây khác. Bình quân, các hộ trồng mai có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm, cá biệt một số hộ doanh thu từ hơn 1 tỷ đến 2 tỷ đồng/năm.

Tận dụng thế mạnh tự nhiên, nhiều hộ dân xã Tản Lĩnh đã tìm cách trau dồi kỹ năng, chuyển đổi sản xuất, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đáng chú ý, tại Tản Lĩnh, cây mai trồng trên đất An Hòa đã và đang giúp người dân tận dụng hết diện tích vườn nhà thậm chí thuê thầu thêm đất, loại cây hoa này cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với loại cây khác. Bình quân, các hộ trồng mai có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm, cá biệt một số hộ doanh thu từ hơn 1 tỷ đến 2 tỷ đồng/năm.

Đến nay, các loại hoa như mười giờ, đồng tiền… đang đua nhau khoe sắc, tô điểm thêm vẻ đẹp của thôn, xóm. Từ thôn Yên Thành, việc trồng hoa hai bên đường đã nhanh chóng lan rộng ra khắp Tản Lĩnh, góp phần hạn chế rác thải bừa bãi, cỏ dại, làm đẹp cảnh quan nông thôn, góp phần để Tản Lĩnh hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Được biết, ngoài phong trào kể trên, các phong trào thi đua khác như “Sạch làng, đẹp ruộng”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, “Đoạn đường an ninh tự quản”… được các đoàn viên, hội viên và nhân dân trong toàn xã Tản Lĩnh tích cực hưởng ứng tham gia góp phần nâng cao ý thức của nhân dân về bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

Trở lại câu chuyện phát triển mô hình trồng mai trắng ở Tản Lĩnh, điểm sáng đáng ghi nhận là thay vì phát triển manh mún, lạc hậu trong sản xuất thì nay người nông dân đã biết mở rộng quy mô sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp thổ nhưỡng vùng miền và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp kinh tế phát triển.

Anh Đỗ Quang Thụy - một hộ dân trồng mai trắng chia sẻ, mô hình trồng mai trắng có thu nhập cao gấp nhiều lần so với mô hình trồng trọt, chăn nuôi khác. Nếu tính giá bán buôn trung bình mỗi gốc từ 200.000 đồng trở lên thì ước chừng mỗi hộ trồng mai trắng ở Tản Lĩnh có thu nhập từ hàng trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng một năm. Chính bởi thu nhập cao nên nhiều người trong xã đã mạnh dạn đầu tư lớn để mở rộng ươm, trồng và nhân rộng vườn mai trắng. Nhờ mai bén rễ, tỏa hương, không ít hộ đã xây nhà to, sắm ô tô, tiện nghi sinh hoạt…

Nhìn rộng vấn đề có thể thấy, những năm gần đây, nghề trồng hoa, cây cảnh ở Hà Nội nói chung và các huyện, xã ngoại thành nói riêng đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra được nhiều vùng chuyên canh lớn, hình thành được một số doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà vườn sản xuất hoa, cây cảnh theo quy trình công nghệ cao như làng nghề sinh vật cảnh thôn Cơ Giáo; làng nghề sinh vật cảnh thôn Xâm Xuyên; làng nghề hoa cây cảnh Nội Thôn (huyện Thường Tín); làng nghề hoa, cây cảnh Hạ Lôi; làng nghề hoa, cây cảnh Liễu Trì; làng nghề hoa Đại Bái (huyện Mê Linh); làng nghề cây cảnh hoa giấy thôn Phù Đổng (huyện Gia Lâm); làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm); làng nghề trồng quất cảnh xã Tàm Xá (huyện Đông Anh)…

Rõ ràng, với sự quan tâm đầu tư của thành phố Hà Nội và huyện Ba Vì, diện mạo nông thôn xã vùng xa như Tản Lĩnh đã và đang đổi thay từng ngày. Xây dựng nông thôn mới là do dân và vì dân. Chính vì vậy, sự hài lòng của nhân dân là hết sức quan trọng, không chỉ đối với kết quả đã đạt được, mà đây còn là tiền đề quan trọng để địa phương huy động sự tham gia của các tầng lớp đối với mục tiêu xa hơn, nỗ lực xây dựng Tản Lĩnh ngày một phát triển, nâng cao./.

Đinh Luyện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết