Mô hình sản xuất rau thủy canh theo quy trình VietGAP tại Đà Lạt (Lâm Đồng). Ảnh: Minh Hậu.Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 100 nghìn ha diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Rainforest Alliance Fair Trade, 4C, hữu cơ và đạt 125 nghìn ha vào năm 2030. Sản lượng rau, hoa, trái cây được sơ chế, chế biến trước khi xuất bán đạt 80% trong tổng sản lượng toàn tỉnh vào năm 2025 và 90% vào 2030.
Từ nay đến năm 2025, tỉnh Lâm Đồng hướng đến mục tiêu 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm.
Đồng thời, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với mục tiêu có 265 chuỗi liên kết với trên 26 nghìn hộ tham gia vào năm 2025. Nâng tỉ lệ tiêu thụ nông sản qua chuỗi đạt 50% sản lượng nông sản toàn tỉnh.
Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Lâm Đồng phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tăng ít nhất 15% số chuỗi, 25% giá trị nông sản tiêu thụ qua chuỗi, nâng tỉ lệ tiêu thụ nông sản qua chuỗi đạt 65% sản lượng nông sản toàn tỉnh.
Mục tiêu của tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025 là tổ chức 265 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với trên 26 nghìn hộ dân tham gia. Ảnh: Minh Hậu. Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, để đạt các mục tiêu trên, ngành nông nghiệp lên kế hoạch đầu tư, xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn thực phẩm như VietGAP, GlobaGAP, hữu cơ… Đồng thời triển khai các đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp, thực hiện số hóa vùng trồng, vùng nuôi và các cơ sở sơ chế, chế biến.
Bà Nguyễn Thùy Quý Tú, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Lâm Đồng cho biết: "Chúng tôi tập trung xây dựng và phát triển mô hình trung tâm sau thu hoạch gắn với vùng nguyên liệu, doanh nghiệp, HTX và liên kết với các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tại các địa phương trong tỉnh. Các mô hình này đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm".
Ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng cũng tổ chức hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc nâng cấp điều kiện để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời hỗ trợ người dân thực hành sản xuất tốt với các tiêu chí như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt khuyến khích người dân, doanh nghiệp ứng dụng KH-CN tiên tiến để nâng cao chất lượng giống. Áp dụng các công nghệ sản xuất "xanh – sạch" theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải và nâng cao chất lượng, giá trị nông lâm thủy sản.
Ngành nông nghiệp Lâm Đồng khuyến khích người dân, doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào để nâng cao chất lượng. Ảnh: Minh Hậu.
Ngành nông nghiệp Lâm Đồng cũng lên kế hoạch xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận nông sản có tiềm năng, giá trị cao; hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài.
Bà Nguyễn Thùy Quý Tú cho biết, cùng với việc hỗ trợ tổ chức sản xuất, Lâm Đồng cũng lên kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn, yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước để phổ biến đến người dân, doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường và tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm.
Ngoài ra, để đạt được mục tiêu của đề án, Lâm Đồng cũng tăng cường quản lý, kiểm tra và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng các loại vật tư đầu vào như giống, phân bón, thuốc BVTV, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi… phù hợp với quy trình sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý các cơ sở tàng trữ, lưu thông và buôn bán, sử dụng chất cấm; thuốc BVTV, thuốc thú y ngoài danh mục được cấp phép sử dụng. Xử lý các hành vi vi phạm về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản.