A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả từ việc hình thành chuỗi sản xuất

Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm nguồn nông sản phục vụ thị trường Thủ đô cũng như xuất khẩu. Vì vậy, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã và đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, trong đó trọng tâm là thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực tiềm năng này.

Đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản

Thực tế, trong những năm gần đây, công nghiệp chế biến nông sản của Hà Nội đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản… Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Công ty cổ phần Kinh doanh Chế biến nông sản Bảo Minh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một ví dụ.

Hiệu quả từ việc hình thành chuỗi sản xuất
Nhiều nông dân Thủ đô mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng để làm nhà màng trồng dưa lưới, đem lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: H.H

Theo bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh Chế biến nông sản Bảo Minh, qua 27 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và chế biến lúa gạo, Công ty đã hợp tác sản xuất, thu mua tận nơi, chế biến và cung cấp gần 40 loại gạo đặc sản cổ truyền cùng nhiều sản phẩm lúa gạo giống mới, năng suất cao tới người tiêu dùng cả nước.

Điển hình như: Gạo tám xoan Hải Hậu, nếp Tú Lệ Bảo Minh, tám Thái đỏ, tám thơm Điện Biên, gạo Séng Cù, gạo lứt huyết rồng Bảo Minh, gạo giống Nhật Bản… Với chiến lược trở thành một tập đoàn trong tương lai không xa, gạo Bảo Minh đặt mục tiêu thiết lập mạng lưới chuỗi giá trị nông nghiệp sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn, nhằm cung cấp những bữa ăn an toàn cho người Việt. Đồng thời, tiếp tục bảo tồn, phát huy và kinh doanh các loại lúa gạo đặc sản, hạn chế sự mai một, bị tuyệt chủng các giống lúa quý và gia tăng nguồn thu kinh tế cho địa phương.

Là một trong những doanh nghiệp có quy mô vừa trong lĩnh vực chế biến, hiện nay, Công ty cổ phần Thực phẩm 3Brothers (huyện Đông Anh, Hà Nội) đang sản xuất hàng chục mặt hàng thực phẩm hàng ngày, trong đó nhiều nhất là giò, chả, xúc xích, dồi sụn. Công ty đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến, hệ thống dây chuyền sản xuất tân tiến hiện đại, đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018. Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Phó Giám đốc Công ty cho biết, mặc dù ra đời đúng vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn ra phức tạp (năm 2020) nhưng nhờ nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn, quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà sản phẩm của công ty vẫn đạt doanh thu 5 tỷ đồng/năm.

Việc sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro bởi phụ thuộc vào thời tiết, dịch bệnh, đặc biệt khi dịch Covid-19 tác động mạnh đến chuỗi sản xuất - cung ứng. Do vậy, phát triển công nghiệp chế biến được coi là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm nguồn nông sản phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Như vậy, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tạo được đột phá mới, từ đó giải quyết những tồn tại trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm chế biến nông sản của khu vực và thế giới.

Nông dân tích cực tham gia chương trình OCOP

Để thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), Hội Nông dân thành phố đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực vào cuộc, triển khai sâu rộng chương trình đến các cấp hội cơ sở và hội viên nông dân. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, nội dung chương trình OCOP đến cán bộ, hội viên, nông dân, thông qua sinh hoạt Chi hội, hội nghị, hội thảo, tập huấn, các kênh thông tin truyền thông từ thành phố đến cơ sở.

Đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lựa chọn ý tưởng sản phẩm, đăng ký sản phẩm tham gia chương trình. Cùng với công tác tuyên truyền, Hội các cấp đã tích cực vận động, hướng dẫn các hộ sản xuất kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã đăng ký sản phẩm tham gia chương trình OCOP thành phố.

Hiệu quả từ việc hình thành chuỗi sản xuất
Công ty cổ phần Thực phẩm 3Brothers sở hữu hệ thống dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018. Ảnh: H.P

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, toàn thành phố đã hoàn thành đánh giá, phân hạng được 1.649 sản phẩm OCOP, trong đó các chủ thể tham gia chương trình chiếm số lượng đông đảo là hội viên nông dân. Cơ sở sản xuất giò chả sạch Hợi Thương, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai có 6 sản phẩm gồm: Chả sụn, giò lụa, giò tai, xúc xích, chả hạt lựu, giò xào tai lưỡi đã được chứng nhận OCOP, trong đó có 5 sản phẩm 3 sao và 1 sản phẩm 4 sao.

Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân còn đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, trong đó tập trung hướng dẫn, vận động nông dân sản xuất nông sản an toàn gắn với sản vật đặc trưng, sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm khi được chứng nhận OCOP không chỉ giúp cho các chủ thể (nông dân, doanh nghiệp) tăng thêm lợi nhuận, mà còn tác động trực tiếp, tạo nên những động lực thúc đẩy phát triển sản xuất, giúp nông dân khai thác, phát huy tốt nguồn tài nguyên, nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống của địa phương.

Theo đại diện Hội Nông dân thành phố, để góp phần thực hiện thắng lợi chương trình OCOP, thời gian tới Hội sẽ đẩy mạnh hỗ trợ hội viên về giống, vốn, khoa học kỹ thuật; hỗ trợ nông dân trong tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, quản lý sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng... để có nhiều sản phẩm đạt tiêu chí OCOP.

Đồng thời, tạo các hình thức thuận lợi phù hợp để đưa liên kết “6 nhà” tham gia hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản. Tập trung phát triển một số nông sản chủ lực để hình thành vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn; xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến tới đủ điều kiện đăng ký sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP./.

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” tiếp tục xác định: “Hà Nội hướng tới phát triển nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Về mục tiêu cụ thể, “Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết