Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Sơn Tây

Những năm gần đây, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã và đang được nhân rộng trên nhiều loại cây trồng, vật nuôi và dần trở thành hướng phát triển kinh tế mới hiệu quả.

Nhận thấy dưa lê Hàn Quốc đem lại giá trị kinh tế cao bởi kỹ thuật chăm sóc khá đơn giản, lại phù hợp với khí hậu địa phương, anh Nguyễn Trung Tấn (thôn Lễ Khê, xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cây màu kém hiệu quả của gia đình sang trồng dưa lê Hàn Quốc. Đến nay, mô hình của anh đã cho quả ngọt, thu hút đông đảo du khách tới tham quan, học tập.

Đầu năm 2023, gia đình anh Tấn đã đầu tư trên 600 triệu đồng để xây dựng nhà màng, hệ thống tưới nước tự động để trồng giống dưa lê Hàn Quốc. Nhà màng có ưu điểm bảo vệ cây trồng trước những tác động xấu của thời tiết, ngăn chặn sự xâm nhập phá hoại của chuột, cũng như các loài côn trùng gây hại khác; do đó, quá trình canh tác không sử dụng thuốc trừ sâu mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Sơn Tây
Mô hình trồng dưa ứng dụng công nghệ cao đang mang lại hiệu quả tại Sơn Tây. (Ảnh: Phan Thanh)

Đối với hệ thống tưới nước, anh lắp đặt hệ thống tưới tự động. Với hệ thống này, phân được hòa vào nước rồi tưới cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống tưới tự động chính xác cho mỗi cây, nên dưa phát triển đồng đều theo từng giai đoạn. Đây là mô hình công nghệ cao mà nhiều nơi đang áp dụng.

Do dưa lê Hàn Quốc trồng trong nhà màng nên việc thụ phấn cho cây phải tiến hành thủ công. Theo kinh nghiệm của anh Tấn, từ khi trồng đến giai đoạn thụ phấn cho cây khoảng 25 ngày. Để đạt hiệu quả cao, thời gian thụ phấn nên tiến hành từ 6 - 10 giờ sáng, làm khoảng 5 ngày liên tục.

Hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Sơn Tây
Dưa được canh tác trong nhà màng với hệ thống tưới tiêu, nhiệt độ được điều chỉnh phù hợp. (Ảnh: Phan Thanh)

Sau khi thụ phấn từ 5 - 7 ngày, kiểm tra từng cây, chọn quả đẹp, loại bỏ quả sấu. Muốn khi thu hoạch có được những quả dưa to, đẹp, đồng đều nên chọn, để lại những quả ở khoảng giữa của thân cây. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, với mỗi cây dưa, chỉ để từ 3 - 4 quả/cây, còn cắt bỏ toàn bộ nhánh và lá dưới gốc cây, để tập trung dinh dưỡng nuôi quả.

Với khoảng thời gian từ 60 - 70 ngày/vụ, mỗi quả dưa lê Hàn Quốc nặng trung bình từ 0,5 - 1kg, có thể canh tác được 3 vụ/năm. Hiện tại, mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc của anh có diện tích 1.000m2 với hơn 2.600 gốc theo cách gối vụ, giá bán từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, bước đầu dưa đã đem lại thu nhập cho gia đình. Hiện gia đình anh cung cấp chủ yếu cho các siêu thị hoa quả sạch tại Hà Nội.

Qua đánh giá của anh Tấn dưa lê Hàn Quốc là loại cây sinh trưởng, phát triển nhanh, cho hiệu quả kinh tế cao, dễ trồng, dễ chăm sóc. Quả dưa lê Hàn Quốc có vỏ ngoài mịn màng, mầu vàng, hình bầu dục dài thon, với các sọc kẻ trắng xen kẽ chạy dài theo dọc quả. Dưa có thịt mầu trắng sữa, thịt quả giòn chắc, có vị ngọt rất tự nhiên. Hương vị của dưa lê Hàn Quốc có mùi thơm nhẹ đặc trưng, hòa trộn và giao thoa giữa hương vị thơm ngon của 2 loại dưa ngọt và dưa chuột.

Hiệu quả mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Sơn Tây
Việc trồng dưa ứng dụng công nghệ cao đã và đang mang lại nhiều tín hiệu kinh tế tích cực. (Ảnh: Phan Thanh)

Nhận xét về mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của anh Nguyễn Trung Tấn, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn Cao Thị Hào cho biết: “Mô hình trồng dưa trong nhà màng của anh Nguyễn Trung Tấn là mô hình theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn của xã. Bước đầu đã cho thấy khá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao.

Xã đang đề nghị thị xã cùng một số ban, ngành, đoàn thể liên quan hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật chăm sóc, tìm kiếm đầu ra ổn định để khuyến khích mô hình này phát triển, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương”.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay đang được các địa phương quan tâm, đẩy mạnh thực hiện nhằm tạo ra những nông sản có chất lượng, tăng sức cạnh tranh. Tại thị xã Sơn Tây, những năm gầy đây, thị xã đã tạo cơ chế góp phần hỗ trợ và thúc đẩy các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Nhờ vậy, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng. Bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới, kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ, an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...