Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tiếp tục lập “đỉnh mới” khi đạt 643 USD/tấn
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện đã lên mức 643 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 628 USD/tấn. Đây tiếp tục là mức giá cao nhất so với các loại gạo xuất khẩu cùng chủng loại của Thái Lan.
Tại thị trường nội địa, sau khi điều chỉnh giảm nhẹ, giá lúa gạo đồng loạt tăng trở lại. Trong đó, lúa thường tại kho có mức tăng thấp nhất là 133 đồng/kg, gạo lứt loại 1 có mức tăng cao nhất là 313 đồng/kg.
Theo thống kê mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đứng ở mức cao nhất thế giới với 643 USD/tấn |
Đáng chú ý, hàng loạt thông tin trên thị trường xuất khẩu gạo đang tiếp tục tác động mạnh đến giá gạo xuất khẩu. Cụ thể, mới đây, Chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ. Thông báo được Bộ Tài chính đưa ra vào ngày 25/8, có hiệu lực ngay lập tức và sẽ được áp dụng cho đến ngày 16/10 năm nay.
Đồng thời, Ấn Độ cũng đã áp dụng mức giá sàn xuất khẩu đối với gạo basmati là 1.200 USD/tấn. Trước đó, nước này đã cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati kể từ tháng 7. Ấn Độ và Pakistan là 2 thị trường xuất khẩu gạo basmati lớn nhất thế giới. Hằng năm, Ấn Độ cung cấp khoảng 4 triệu tấn tới các nước như Iran, Iraq, Mỹ, Ả Rập Saudi. Những động thái mới của Ấn Độ có thể sẽ đẩy giá gạo thế giới lên cao hơn nữa.
Đáng chú ý, trong lúc thị trường gạo thế giới đang lên cơn sốt thì Ấn Độ tiếp tục công bố 2 quyết định quan trọng vào ngày 30/8. Trong đó các quyết định cho phép các lô hàng gạo trắng (trừ gạo Basmati) bị kẹt ở cảng được phép xuất khẩu; đồng thời phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo trắng (trừ gạo Basmati) đến 3 nước là Bhutan, Singapore và Mauritius.
Không chỉ Ấn Độ, Myanmar cũng đang lên kế hoạch tạm hạn chế xuất khẩu gạo để nhằm đáp ứng tiêu thụ nội địa. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Myanmar là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 5 trên thế giới, bán hơn 2 triệu tấn mỗi năm.
Ở trong nước, theo phản ánh của các doanh nghiệp, tình hình thu mua gạo đang khó khăn do giá gạo trong nước đang ở mức rất cao. Lượng hàng trong kho không nhiều trong khi giá gạo cao, nên riêng việc có đủ số lượng để trả các đơn hàng đã ký trước đó cũng đã gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp đang rất thận trọng chờ tín hiệu từ thị trường vì khi giá gạo ở mức quá cao, nếu thu gom mạnh thì sẽ không tránh được việc rủi ro nếu giá gạo hạ xuống.
Với bối cảnh thị trường thế giới diễn biến phức tạp, trong văn bản báo cáo được gửi tới Văn phòng Chính phủ gần đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đề nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo. Việc bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo là để đảm bảo hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thương nhân xuất khẩu gạo
Bối cảnh được VFA đưa ra là do giá gạo biến động tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái, đến nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, xuất phát từ tâm lý chờ giá nên dẫn tới hợp đồng liên kết bị phá vỡ, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký.
Đối với thị trường gạo trong nước, các doanh nghiệp và điểm bán hàng bình ổn đang cố gắng để duy trì giá bình ổn cho mặt hàng gạo nhờ lượng dự trữ từ trước đó, tránh việc giá gạo tăng cao ảnh hưởng đến đời sống người dân và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tuy nhiên, nếu như giá gạo tiếp tục tăng, việc tăng giá bán lẻ là không thể tránh khỏi.