Để nông sản trở thành “thương phẩm” giá trị cao
Tại Hà Nội, hiện kinh tế nông nghiệp đang có xu hướng phát triển nhanh và bền vững. Nhiều sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) đã đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Đáng chú ý, tại nhiều địa phương việc chủ động tiếp cận thị trường, quảng bá, tiêu thụ nông sản qua các hội thi… đang là cách làm hay, mới, góp phần giúp nông sản trở thành “thương phẩm” giá trị cao.
Nhiều cách làm hay, mới lạ
Mới đây, tại xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), địa danh nổi tiếng với những vườn mít cổ thụ có từ gần trăm năm nay đã diễn ra “Hội thi trái mít ngon, an toàn lần thứ 4”. Theo người dân địa phương, đã có thời kỳ, mít không có giá trị kinh tế như cây trồng khác nên nhiều hộ dân chặt bỏ hoặc chỉ giữ lại mít với mục đích khai thác gỗ.
Mít Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) trở thành đặc sản được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: Đinh Luyện |
Tuy nhiên, từ khi có Hội thi trái mít ngon, an toàn, đầu ra của sản phẩm này đã ổn định, được thị trường đón nhận. Theo đó, hội thi đã được tổ chức thành công qua 3 năm 2018, 2019 và 2020, năm nay là năm thứ 4 được tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, du khách tham dự, tạo được nhiều ấn tượng tốt. Mít khi đoạt giải sẽ được giữ lại hạt để nhân giống. Cây mít có chất lượng quả tốt trong hội thi cũng được thương lái tìm về tận nhà để thu mua quả.
Với nông dân địa phương, mỗi cây mít trung bình thu được 3-5 triệu đồng/năm; thậm chí có cây cho thu hàng chục triệu đồng. Đáng chú ý, bên cạnh việc nâng giá trị, tìm đầu ra ổn định cho nông sản, thị xã Sơn Tây cũng đã có những quy hoạch vùng trồng mít tập trung với mục tiêu tạo vùng nguyên liệu sạch cho nhà máy chế biến hoa quả trong tương lai không xa.
Tương tự, tại Phú Xuyên vừa qua đã tổ chức “Festival Nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội năm 2022”. Festival được tổ chức với quy mô 220 gian hàng, trong đó 160 gian hàng làng nghề truyền thống và ẩm thực của huyện; 40 gian hàng doanh nghiệp và làng nghề của nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội; 20 gian hàng của các tỉnh bạn. Sự kiện đã góp phần quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch đến khách tham quan, người tiêu dùng. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch địa phương.
Thực tế, bên cạnh việc tổ chức hội thi mít như ở xã Sơn Đông, hay Festival nông sản như ở Phú Xuyên, công tác quảng bá nông sản cũng được các hợp tác xã chủ động và tìm hướng thực hiện. Ông Nguyễn Thế Lâm, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Khánh Phong (huyện Mê Linh) cho biết, hợp tác xã có các sản phẩm hữu cơ chủ lực là ổi, táo, đu đủ, bưởi và kết hợp chăn nuôi. Để đảm bảo đầu ra cũng như nâng tầm cho sản phẩm, Hợp tác xã nông nghiệp Khánh Phong đã chủ động tạo mã truy xuất nguồn gốc - tạo thuận lợi trong việc quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng.
Ngoài ra, Hợp tác xã cũng chủ động tham gia chương trình OCOP. Trong năm 2020, Hợp tác xã nông nghiệp Khánh Phong đã có nhiều sản phẩm đạt sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao của huyện Mê Linh và được Phòng Kinh tế huyện Mê Linh đánh giá cao về chất lượng. Ông Nguyễn Thế Lâm chia sẻ, cùng với việc tiêu thụ cây ăn quả tại các kênh thương mại truyền thống, Hợp tác xã cũng chú trọng đẩy mạnh bán hàng trực tuyến (online), trên mạng xã hội như Facebook, Zalo... đưa nông sản lên “Chợ thương mại điện tử” của Thành phố. Nhờ sự chủ động này, đến nay, các sản phẩm của Hợp tác xã đã có mặt tại nhiều hệ thống cửa hàng thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố.
Xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm
Thực tế cho thấy, nếu nông sản làm ra đơn thuần thì mới chỉ là sản phẩm trên đồng, trong vườn, dưới ao. Giá trị tạo ra thấp. Tuy nhiên, khi những sản phẩm này trở thành thương phẩm, nghĩa là sản phẩm có thể đến được thị trường một cách thông suốt, nhờ đáp ứng những chuẩn mực của thị trường với mức giá cạnh tranh, chi phí sản xuất tối ưu, thì sản xuất nông nghiệp mới thông suốt, thoát khỏi cảnh được mùa, mất giá, mới đem lại lợi ích kinh tế cao cho nông dân.
Tại Hà Nội, để nâng cao hiệu quả sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi đặc sản, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã phối hợp với các địa phương chọn một số loại đặc sản tiêu biểu, xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nông thôn mới trên địa bàn. Lấy ví dụ từ thị xã Sơn Tây. Được biết, địa phương hiện đang chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh và ứng dụng khoa học - công nghệ, mang lại giá trị kinh tế cao, qua đó hình thành các mô hình liên kết chuỗi. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá để có đầu ra ổn định cho các sản phẩm.
Ảnh: Đinh Luyện |
Cụ thể, để hỗ trợ quảng bá tiêu thụ các sản phẩm OCOP, thị xã Sơn Tây đã lựa chọn 3 điểm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn tại các địa điểm: Khu vực Đền Và - phường Trung Hưng; khu vực chùa Khai Nguyên - xã Sơn Đông và khu vực cổng làng Mông Phụ - xã Đường Lâm. Thông qua điểm bán và giới thiệu sản phẩm, các sản phẩm OCOP của Hà Nội nói chung và thị xã Sơn Tây nói riêng sẽ tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, làm cơ sở để các hợp tác xã, các doanh nghiệp, các đơn vị và bà con nông dân tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Cũng nhờ sự chủ động này, các sản phẩm như: Mật ong Kim Sơn (chủ thể sản xuất là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Kim Sơn, xã Kim Sơn); giò bò (Cơ sở giò chả Thành Quế, phường Quang Trung ); kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo vừng trắng, kẹo vừng đen, kẹo gạo lứt (Cơ sở bánh kẹo truyền thống Hiền Bao, xã Đường Lâm); trà hoa cúc, khoai viên thực dưỡng, mật ong đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo đại toàn bổ dưỡng tửu (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông thủy sản Thuần Việt, xã Sơn Đông); bánh tẻ Phú Nhi (phường Phú Thịnh)... đã được đông đảo người tiêu dùng biết đến.
Rõ ràng, công tác quảng bá, giới thiệu và nâng tầm các sản phẩm nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần mang lại lợi ích kinh tế bền vững cho người nông dân. Nhìn từ các ví dụ ở Sơn Tây, Phú Xuyên… có thể thấy, nhiều cách làm sáng tạo, bài bản, quảng bá rộng khắp sản phẩm đã được triển khai, từ đó giúp nông sản nâng cao giá trị. Những cách làm này nếu được áp dụng, triển khai rộng khắp thì tin chắc tình trạng được mùa mất giá hay “bí” đầu ra của nông sản sẽ sớm được khắc phục./.
Cùng với đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, thời gian qua, Hà Nội đặc biệt quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nhằm thích ứng linh hoạt với điều kiện dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể. Các hoạt động quảng bá đã góp phần tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp, cũng như các chủ thể sản xuất, kinh doanh khác tăng cường kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, tiếp cận thị trường. Đặc biệt là, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, hệ thống phân phối, trung tâm thương mại… cũng là giải pháp đưa nông sản đến gần người tiêu dùng hơn. |