Chè kho Đại Đồng, đậm nét hồn quê Việt
Chè kho Đại Đồng nức tiếng bao đời nay. Món quà quê đặc sản này đã được lớp lớp các thế hệ người dân xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) gìn giữ. Ngày nay, nhiều người con của quê hương Đại Đồng đã đổi mới tư duy, đầu tư công nghệ nâng tầm sản phẩm chè kho độc đáo này.
Qua đôi bàn tay khéo léo của người nông dân, chè kho đã trở thành món quà quê chẳng thể nào quên. |
Từ đỗ xanh, đường kính, qua đôi bàn tay khéo léo của người dân xã Đại Đồng, chè kho đã trở thành món ăn quen thuộc không thể thiếu của người dân Thạch Thất nói riêng, và của người Hà Nội nói chung. Món chè kho Đại Đồng được làm từ những nguyên liệu dân dã như đỗ xanh, đường kính… Cùng với công thức chế biến đặc trưng, khéo léo, chè kho đã trở thành món quà quê chẳng thể nào quên với những người dù là lần đầu thưởng thức. Đến nay, nghề nấu chè kho không chỉ dừng lại ở một nét đẹp văn hóa, mà còn giúp nhiều hộ gia đình ở Đại Đồng làm giàu từ món quà quê này.
Hiện nay, một số cơ sở sản xuất ở xã Đại Đồng như Bằng An, Dạ Thảo đã cho ra thị trường sản phẩm bánh chè kho Đại Đồng với hình thức mới mẻ, bắt mắt; vừa kết hợp được tinh hoa cổ truyền, vừa mang dáng dấp thời đại. Bánh có trọng lượng nhỏ hơn, mặt bánh có hình hoa sen, trúc, khi ăn có vị ngọt, lượng đường vừa phải, thơm hương đỗ xanh. Bánh được đựng trong khay nhựa nhỏ, xinh xắn, sau đó được bọc bằng túi nilon. Hộp bánh được thiết kế hiện đại, đẹp mắt, tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm đối với người tiêu dùng.
Tại Cơ sở sản xuất bánh kẹo truyền thống Bằng An, chè kho được sản xuất trong khu vực khép kín, một chiều, theo tiêu chuẩn ISO 22.000:2018. Với mong muốn áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của chè kho, chè lam, kẹo lạc của xã Đại Đồng theo các tiêu chuẩn quốc tế, bà Kiều Thị Kim Khánh là một trong những người đi đầu trong việc áp dụng công nghệ vào sản xuất, qua đó, góp phần mở rộng thị trường cho các sản phẩm chè kho truyền thống của địa phương ra các tỉnh, thành trong cả nước và sẵn sàng cho việc xuất khẩu trong tương lai.
Bên cạnh việc tạo dựng hoạt động sản xuất kinh doanh và mong muốn tạo thêm công ăn việc làm, phát triển kinh tế của địa phương, bà Kiều Thị Kim Khánh muốn thúc đẩy việc quảng bá văn hóa truyền thống của làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm. Theo đó, chè kho không chỉ là ẩm thực, mà còn là văn hóa truyền thống về nếp ăn, nếp nghĩ của người Đại Đồng nói riêng và người Thạch Thất nói chung từ xưa tới nay.
Nói về xu hướng tiêu dùng mới, những người làm chè kho ở Đại Đồng cho biết thêm, người tiêu dùng hiện nay thường ít ăn đồ ngọt, chú trọng an toàn thực phẩm. Giới trẻ, giới văn phòng có phong cách ăn thưởng thức, “ăn chơi”, ăn ít hơn nên bánh cũng ít đường hơn, do vậy các cơ sở sản xuất thay đổi bằng cách sản xuất bánh nhỏ vừa ngon miệng, vừa ngon mắt. Ngoài phục vụ theo cách truyền thống như làm quà biếu, đồ lễ, nhiều cơ sở sản xuất đã đưa sản phẩm vào các phòng trà, khu du lịch. Thời gian qua, tín hiệu của thị trường rất tích cực.
Ông Kiều Cao Quyến, cơ sở sản xuất chè kho Dạ Thảo cho biết: Món chè kho Đại Đồng đặc biệt từ chính cái tên của nó, không phải đồ, nấu, mà là kho. Theo kinh nghiệm các cụ để lại, bánh chè kho đạt chuẩn là phải được lửa. Bánh được kho đến khi nào lấy đũa vạch ngang nồi, tạo thành một vạch thẳng ngăn cách rõ ràng, không bị vữa, chảy mới được. Hiện nay, nhiều công đoạn trong làm bánh chè kho thủ công đã được thay thế bằng máy. Sản phẩm cũng được thay đổi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng như giảm độ ngọt, bánh được làm từ các khuôn nhỏ nên có trọng lượng nhỏ hơn, bao bì đẹp hơn, sang trọng hơn.
Là một trong số những người nhiều năm gắn bó với chè kho, được thị trường ưa chuộng, bà Vũ Thị Quý (67 tuổi) cho biết, nhiều năm trở lại đây, cơ sở sản xuất của gia đình bà đã bắt đầu áp dụng các phương thức kinh doanh hiện đại và thức thời hơn để giúp thương hiệu được nhiều người biết đến. Đặc biệt, để mở rộng sản xuất, kinh doanh, gia đình bà đã đầu tư 300 triệu đồng vào việc mua máy móc sản xuất chè kho, như: Nồi hơi đun đậu, nồi cô đặc, máy xay, máy hút chân không… Các loại máy móc giúp cho quá trình làm chè kho trở nên nhẹ nhàng hơn nhiều, nhất là không lo chè bị cháy, khét, hỏng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ máy móc, làm chè kho cũng đơn giản hơn, thời gian, nhân lực cũng ít hơn.
Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các cấp ngành, nghề truyền thống làm chè kho đã được nhiều người biết đến hơn. Chè kho Đại Đồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu tập thể. Sản phẩm chè kho của gia đình bà Vũ Thị Quý cũng được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cấp chứng nhận sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Những chứng nhận trên đã góp phần đưa chè kho Đại Đồng từ một thức quà quê trở thành một sản phẩm thị trường, có chất lượng cao, mẫu mã đẹp và người tiêu dùng ưa thích.
Với dư vị thơm ngon, chè kho Đại Đồng đã góp phần làm phong phú thêm tinh hoa ẩm thực Tràng An. Người xưa thường nói “món ngon nhớ lâu”, tin rằng chè kho Đại Đồng sẽ còn làm xao xuyến nhiều thực khách gần xa.