Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chế biến và bảo quản nông sản: Phải cải thiện trình độ và năng lực công nghệ

Để phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông sản ở Việt Nam theo kịp được xu hướng của thế giới, tất yếu phải phát triển theo hướng hiện đại với mức tự động hoá cao, đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao công nghệ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao chất lượng, giá trị và an toàn thực phẩm.

Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch còn cao
Một số nghiên cứu cho thấy, tổn thất sau thu hoạch nông sản ở nước ta hiện rất cao. Ví dụ đối với rau, quả tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch từ 25%-30%, lúa gạo xấp xỉ 14%... Tình trạng này do thời gian qua nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân chưa quan tâm đến việc ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch, thiếu hệ thống bảo quản chế biến sau thu hoạch thích hợp, tỷ lệ chế biến thấp.

Sự phát triển của ngành chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng
TS. Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, có năng lực chế biến trên 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản mỗi năm.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng. Công nghệ chế biến nông sản nhìn chung chưa cao, chỉ đạt ở mức trung bình. Sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao tỷ lệ còn thấp (10-40% tùy ngành hàng), chủng loại sản phẩm chế biến chưa phong phú; tổn thất sau thu hoạch còn cao khoảng 10-20% tùy theo ngành hàng.
Nâng cao năng lực công nghệ
Theo TS. Nguyễn Quốc Toản, để giúp cho công nghiệp chế biến nông sản phát triển ổn định và bền vững cần cải thiện trình độ và năng lực công nghệ. Tuy nhiên, những năm qua, mặc dù nhà nước đã ban hành các chính sách hỗ trợ để phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến, bảo quản nông sản nhưng hiệu quả chưa cao, chưa thực sự tạo ra đột phá cho ngành.
Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) chia sẻ, hiện nay chúng ta đã có một số hoạt động nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch trong bảo quản lúa gạo, chế biến nông sản. Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khi triển khai ra ngoài thực tiễn với điều kiện canh tác hiện tại của nước ta rất khó, vì chỉ có những mô hình canh tác theo quy mô lớn, mới có thể áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản một cách thông minh. Nếu vẫn tình trạng canh tác theo mô hình nhỏ, thiếu quy hoạch như hiện nay thì việc đưa các công nghệ vào khá khó khăn.
PGS.TS Lê Đức Mạnh - nguyên Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm (Bộ Công Thương) - cho rằng, thời gian vừa qua, chúng ta đã nghiên cứu thành công một số công nghệ bảo quản sau thu hoạch như hệ thống thiết bị bảo quản chè bằng tổ hợp silo, công nghệ sản xuất surimi… giúp tỷ lệ hao hụt giảm, chất lượng sản phẩm nông nghiệp ổn định hơn.
Tuy nhiên, việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn do cơ chế của chúng ta chưa tốt, chưa khuyến khích được các doanh nghiệp ở trong nước tích cực tiếp cận công nghệ nội sinh mà chủ yếu muốn mua công nghệ nước ngoài. Cùng với đó, chúng ta còn có tư tưởng sản xuất nhỏ, không chú trọng đổi mới công nghệ dẫn đến sự chậm trễ trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu kéo giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch trong chuỗi sản xuất lúa gạo xuống mức 5 - 6% sẽ làm tăng tương ứng giá trị 6%. Do đó, cần phát triển công nghệ chế biến, bảo quản nông sản để hỗ trợ cho nông dân.
Theo Báo Công Thương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...