Việc học phải xuất phát từ chính bản thân người học
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới đây đã đề xuất: Học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động được làm thêm nhưng không quá 20 giờ/tuần và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động. Đề xuất này đã nhận được sự quan tâm của nhiều bên liên quan.
Nhà quản lý hy vọng, quy định này nếu được thông qua chính thức sẽ giúp sinh viên dành nhiều thời gian hơn cho việc học tập. Còn về phía sinh viên, nhất là sinh viên hoàn cảnh khó khăn thì lại không đồng tình bởi nếu giới hạn giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến thu nhập. Họ cho rằng mình đã là người trưởng thành, có trách nhiệm với việc bố trí thời gian học tập hay đi làm của mình.
Ai cũng có lý do chính đáng để tin rằng ý kiến của mình là đúng, là điều nên/cần làm.
Sinh viên năm 2 ngành Điều dưỡng, Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột trong giờ thực hành bộ môn Điều dưỡng cơ bản. (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một giảng viên có thâm niên làm cố vấn học tập nhiều năm, tiếp xúc với nhiều bạn sinh viên vừa học vừa đi làm thêm, tôi cho rằng hãy để sinh viên được tự quyết định việc làm thêm của mình.
Chất lượng của việc học phụ thuộc vào nhu cầu của bản thân sinh viên. Nếu sinh viên thực sự muốn học, coi trọng việc học thì tự bản thân sẽ nỗ lực vượt mọi khó khăn để học.
Ngược lại, nếu sinh viên không có ý thức nghiêm túc đối với việc học, học theo kiểu được chăng hay chớ, không cần giỏi, chỉ cần tốt nghiệp thì cho dù không đi làm thêm cũng chẳng học tốt hơn. Động cơ học tập xuất phát từ bản thân chủ thể bao giờ cũng có ý nghĩa quyết định hơn so với động cơ áp đặt từ bên ngoài vào.
Quy định giới hạn giờ làm thêm có thể không mang lại hiệu quả như kỳ vọng nếu việc học tập không xuất phát từ chính nhu cầu và ý thức người học. Trong trường hợp sinh viên phải tự lo chi trả cho việc học tập và chi phí sinh hoạt, nếu chỉ cho phép đi làm thêm 20 giờ/tuần thì sẽ là trở lực ngăn cản con đường theo đuổi việc học của các em!