A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tự chủ đại học “chìa khóa” để thành công

Được kỳ vọng sẽ tạo nên cuộc cách mạng toàn diện cho giáo dục đại học (GDĐH), đến nay, tự chủ đại học đã đạt một số kết quả đáng khích lệ, tạo bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức lẫn công tác tổ chức thực hiện. Chuyển biến này xuất phát từ đòi hỏi khách quan, xu thế phát triển của GDĐH trên thế giới và được thúc đẩy bởi chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

Nhiều chuyển biến tích cực

Trường đại học hoạt động với tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao là mô hình và cơ chế phổ biến trên khắp thế giới. Việc thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam diễn ra dưới sự chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt thông qua các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong 3 thập niên vừa qua và đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực. Tự chủ đại học như một cuộc cách mạng để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH. Đặc biệt, ngày 24/10/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở GDĐH công lập giai đoạn 2014-2017. Triển khai Nghị quyết này, hệ thống GDĐH đã có bước tiến dài về lực, các nguồn lực được khơi thông và năng lực của cơ sở đào tạo được phát huy tối đa. Hiện nay, đã có 142/232 trường đại học đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật GDĐH (được sửa đổi, bổ sung năm 2018).

Tự chủ đại học “chìa khóa” để thành công
Học sinh tìm hiểu về nguyện vọng xét tuyển đại học tại Ngày hội tư vấn xét tuyển năm 2022 tại Hà Nội.

Về nhân lực, từ thời điểm được giao thí điểm tự chủ, các trường đã từng bước hình thành cơ cấu nhân lực phù hợp. Các trường có chính sách cạnh tranh, thu hút giảng viên giỏi chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học. Tỷ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ ngày một tăng, từ 25% năm 2018 lên trên 31% năm 2021.

Về tài chính, đến thời điểm hiện tại, 32,76% trường đại học tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1); 13,79% trường tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2). Về nâng cao năng lực tài chính của cơ sở, từ 2018 đến 2021, tổng thu của các cơ sở GDĐH tự chủ đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách Nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng; thu nhập bình quân tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý. Giảng viên thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97% sau 3 năm thực hiện tự chủ.

Tự chủ đại học tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy các trường đầu tư vào điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo để cạnh tranh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi; hướng tới thực chất và phát triển bền vững. Số liệu thống kê cho thấy, quy mô tuyển sinh hệ đại trà có xu hướng giảm, tăng quy mô tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo với nước ngoài và đào tạo bằng tiếng Anh. Đổi mới thi và tuyển sinh trung thực, khách quan nhưng nhẹ nhàng, giảm áp lực, tốn kém. Từ năm 2019-2021, các trường đã có nhiều phương thức để tuyển sinh.

Về khoa học và công nghệ, số lượng bài báo quốc tế trong danh mục Web of Science (WoS) tăng thêm 3,5 lần sau 4 năm; số bài báo trong danh mục SCOPUS của các cơ sở GDĐH tăng thêm hơn 4 lần. Sản phẩm của các đề tài, dự án, chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ của các đơn vị trực thuộc Bộ đã tăng đáng kể trong các năm qua, trung bình 25%/năm.

Về đảm bảo chất lượng, tính đến 28/2/2022, cả hệ thống có 274 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá; 174 cơ sở giáo dục được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; 591 chương trình đào tạo hoàn thành tự đánh giá; 470 chương trình đào tạo được đánh giá, trong đó có 308 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Một số cơ sở GDĐH đã gặt hái được thành công thông qua kết quả về xếp hạng đại học ở các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới. Năm 2022, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) công bố Bảng xếp hạng các trường đại học theo lĩnh vực. Ở lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, Việt Nam có 5 đại học được xếp hạng cao trong tốp 500 thế giới; ở lĩnh vực Kinh doanh và kinh tế theo Bảng xếp hạng Times Higher Education, Việt Nam có 2 đại diện; lĩnh vực Khoa học Xã hội, Việt Nam có 3 đại diện.

Chìa khóa để thành công

Mục đích tự chủ đại học là nâng cao chất lượng đào tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển… Tuy nhiên, nguồn lực hạn chế là khó khăn, thách thức của nhiều cơ sở GDĐH công lập.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng (Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), một trường đại học hình thành ý tưởng tự chủ đại học từ rất sớm thì quan điểm tự chủ đại học gắn liền với tự chủ tài chính không hoàn toàn đúng. Tự chủ đại học có nghĩa là các cơ sở GDĐH căn cứ vào nội lực của mình có thể đảm bảo tự chủ chi thường xuyên (cho thầy và trò) và một phần liên quan đến đào tạo; nhưng với một số ngành nghề lớn thì vẫn có sự đầu tư của Nhà nước. Kết hợp cả 2 điều kiện là nội lực của các trường và đầu tư công bằng, chính xác, có chiều sâu của Nhà nước, đó mới đúng là tự chủ.

Là một trong những cơ sở GDĐH sớm thực hiện cơ chế tự chủ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chủ động đổi mới mọi mặt hoạt động, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy năng lực và thế mạnh nội tại để thúc đẩy tăng trưởng trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn (Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương) nhìn nhận, thực tế cho thấy, tự chủ đại học đã trở thành nhu cầu tự thân, xu thế tất yếu và có tính khách quan. Tự chủ đại học vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho các cơ sở GDĐH tại Việt Nam phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn, trên cơ sở triển khai hiệu quả, quyết liệt đổi mới GDĐH theo tinh thần Nghị quyết 29, có thể thấy, tự chủ đại học đã đem lại những kết quả đáng khích lệ đối với hệ thống GDĐH nói chung và các cơ sở GDĐH công lập nói riêng. Một số mô hình tự chủ đại học đã dần được định hình. Nhận thức về tự chủ đại học đã được nâng lên ở tầm cao mới. Tự chủ đại học thực sự đã tạo ra một sức sống mới giúp các trường công lập nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời hướng tới cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao hơn.

Nhấn mạnh “chìa khóa” để thành công trong tự chủ đại học là các cơ sở GDĐH cần phải có được nhận thức đúng đắn về tự chủ đại học; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn cho rằng các cơ sở GDĐH cần có nhận thức đúng đắn, phù hợp về vai trò của tự chủ đại học đối với sự phát triển của các cơ sở GDĐH trong bối cảnh mới. Cùng đó, các cơ sở GDĐH cần đảm bảo sự thống nhất, đoàn kết giữa các thiết chế Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu trong quản trị đại học. Tùy vào tình hình cụ thể của cơ sở GDĐH mà các vị trí này cần phải được bố trí, sắp xếp một cách phù hợp, khoa học, đảm bảo sự gắn kết, hỗ trợ, kiểm soát lẫn nhau vì mục tiêu phát triển chung của cơ sở GDĐH./.

Sẽ hiệu quả và đúng bản chất xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hơn khi tự chủ đại học cũng phải gắn liền với chính sách an sinh xã hội để hút người tài, đặc biệt những sinh viên con các gia đình có thu nhập thấp. Lý do, khi chúng ta chấp nhận tự chủ là chấp nhận sự cạnh tranh. Trường nào có chất lượng đào tạo tốt, đồng nghĩa với học phí sẽ cao hơn. Học phí cao, con em những gia đình có thu nhập thấp, thu nhập trung bình sẽ không có cơ hội học tập. Bởi thế, sử dụng chính sách tài chính tự chủ để tạo nguồn học bổng thu hút nhân tài phải song hành với chính sách an sinh thu hút nhân tài.
Phạm Thảo
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết