Trường Đại học Giao thông vận tải tuyển sinh theo 4 phương thức
Năm 2023, Trường Đại học Giao thông vận tải tuyển sinh đại học hệ chính quy theo 4 phương thức tuyển sinh.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải) cho biết, năm 2023, Trường Đại học Giao thông vận tải tuyển sinh và đào tạo 31 ngành; tại Hà Nội tuyển sinh và đào tạo 30 ngành (trong đó có 10 chương trình tiên tiến, chất lượng cao và 2 chương trình liên kết quốc tế); tại Phân hiệu thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh và đào tạo 18 ngành. Tổng chỉ tiêu toàn Trường là 5.800 (tại Hà Nội là 4.300 chỉ tiêu và tại Phân hiệu thành phố Hồ Chí Minh là 1.500 chỉ tiêu).
Các phương thức tuyển sinh năm nay được giữ nguyên như năm 2022, bao gồm 4 phương thức.
Năm 2023, Trường Đại học Giao thông vận tải tuyển sinh đại học hệ chính quy theo 4 phương thức tuyển sinh. (Ảnh: Trường Đại học Giao thông vận tải) |
Phương thức 1: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2023 và học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế.
Sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 để xét tuyển: Điểm xét tuyển là tổng điểm 3 môn của tổ hợp đăng ký xét tuyển và điểm ưu tiên (nếu có).
Xét tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế: Thí sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hoặc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, cử tham gia; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng đã tốt nghiệp THPT được xét tuyển thẳng vào trường theo ngành phù hợp với môn thi. Cụ thể:
Phương thức 2: Tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội (mã GHA): Sử dụng kết quả học tập THPT (theo học bạ THPT) để xét tuyển với hầu hết các ngành tuyển sinh. Thí sinh tốt nghiệp THPT có tổng điểm ba môn học trong tổ hợp xét tuyển (điểm trung bình lớp 10 cộng điểm trung bình lớp 11 cộng điểm trung bình lớp 12) cộng điểm ưu tiên (nếu có) từ ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trở lên (ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào từng ngành sẽ thông báo chi tiết sau), trong đó điểm của ba môn trong tổ hợp xét tuyển không có điểm trung bình môn nào dưới 5.5 điểm.
Tuyển sinh và đào tạo tại Phân hiệu tại thành phố Hồ Chí Minh (mã GSA): Sử dụng kết quả học tập THPT để xét tuyển với hầu hết các ngành tuyển sinh. Thí sinh tốt nghiệp THPT có tổng điểm ba môn học trong tổ hợp xét tuyển (điểm trung bình lớp 10 cộng điểm trung bình lớp 11 cộng điểm trung bình học kỳ I lớp 12) cộng điểm ưu tiên (nếu có) từ ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trở lên (ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào từng ngành sẽ thông báo chi tiết sau), trong đó ba môn trong tổ hợp xét tuyển không có điểm trung bình môn nào dưới 5.5 điểm.
Phương thức 3: Xét tuyển theo kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Hà Nội và xét tuyển theo kết quả đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh với một số ngành tuyển sinh và đào tạo tại Phân hiệu thành phố Hồ Chí Minh.
Phương thức 4: Xét kết hợp chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.0 trở lên (còn hiệu lực đến ngày xét tuyển) và tổng điểm hai môn học (môn Toán và 1 môn không phải Ngoại ngữ) trong tổ hợp xét tuyển (điểm trung bình lớp 10 cộng điểm trung bình lớp 11 cộng điểm trung bình lớp 12) cộng điểm ưu tiên (nếu có) đạt từ 15 điểm trở lên. Ngưỡng điểm được nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào từng ngành sẽ thông báo chi tiết sau.
Nhà trường cũng cho biết, hầu hết các ngành đều dùng 4 tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01, D07. Quá trình xét tuyển, trường lấy điểm trúng tuyển theo từng mã ngành xét tuyển và không có sự chênh lệch điểm giữa các tổ hợp xét tuyển.