Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tim giáo viên, học sinh Thủ đô

Bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cán bộ, giáo viên, học sinh Hà Nội nguyện nỗ lực, phấn đấu học tập và rèn luyện để góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước.

Kính dâng một tấm lòng thành…

“Kính dâng một tấm lòng thành/ Tiễn người về cõi tinh anh…” - đó là dòng trạng thái bày tỏ niềm xúc động, tiếc thương vô hạn mà cô giáo Phạm Thị Hương Giang - Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ 2, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ trong ngày quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng 25/7.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tim giáo viên, học sinh Thủ đô

Ông Ngô Bá Dục xúc động lật giở từng hồi ức về tình bạn với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Bày tỏ tình cảm yêu kính dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cô Hương Giang tâm sự: “Tôi tự hào khi được là một người con của quê hương Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội - mảnh đất đã sinh ra và nuôi dưỡng Tổng Bí thư. Có lẽ vì thế, lòng kính yêu tôi dành cho Tổng Bí thư có thêm phần đặc biệt - đó là niềm tự hào, ngưỡng mộ sâu sắc”.

Càng đặc biệt hơn khi bố chồng cô Giang - ông Ngô Bá Dục - một ông đồ nho được kính trọng ở làng, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) là người bạn thân thiết của Tổng Bí thư năm nào.

Theo cô Giang, bố chồng cô là bạn học của Tổng Bí thư từ cấp 1 lên hết cấp 3. Khi vào đại học, Tổng Bí thư theo học khoa Văn của Đại học Tổng hợp còn bố cô học Sư phạm. Dù khác trường nhưng hai người vẫn giữ quan hệ khăng khít.

Trong những lần về thăm nhà, cô Giang nhiều lần được nghe bố kể những câu chuyện về người bạn học tài giỏi, tâm trong, trí sáng nhưng rất đỗi giản dị, trọng ân tình - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đó là kỉ niệm về lần họp lớp, Tổng Bí thư khi ấy đang là Bí thư Thành ủy Hà Nội bắt xe ôm từ phố Đặng Tất ra nhà nổi Hồ Tây để gặp bạn bè khiến ai nấy đều bất ngờ; là kỉ niệm về lần đón thầy giáo cũ từ Quy Nhơn ra thăm trong căn nhà nhỏ…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tim giáo viên, học sinh Thủ đô

Qua những bức ảnh, vần thơ, cô Giang càng thêm tự hào, yêu kính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều hơn

“Trong tâm niệm của thế hệ con cháu chúng tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người sâu sắc, giản dị và sống thấu tình, đạt lý. Khi mẹ chồng tôi mất, ông về tận nơi để thăm viếng và động viên gia đình…”, cô Giang xúc động chia sẻ.

Theo lời kể của bố chồng, cô Giang được biết Tổng Bí thư sinh ra trong gia đình nề nếp gia phong. “Tôi may mắn có bố chồng là bạn với Tổng Bí thư - người yêu văn thơ, sống vì nước, vì dân, gần gũi với Nhân dân.

Bố tôi thường dạy chúng tôi phải nghiêm khắc với bản thân và không ngừng học tập, phấn đấu. Các con cháu trong gia đình cũng thấm nhuần lối sống và tư tưởng của Tổng Bí thư, sống cuộc đời thanh bạch, giản dị và hết lòng vì công việc”, cô Giang chia sẻ.

Noi theo truyền thống của gia đình, của mảnh đất Lại Đà sinh ra những người con ưu tú, trong suốt quá trình làm việc, cô Hương Giang luôn khắc ghi lời dạy của cha, cố gắng, nỗ lực hết mình vì sự nghiệp giáo dục cũng không quên nhắc nhở thế hệ học trò phải luôn tu tâm, rèn đức, luyện tài, nuôi dưỡng tâm trong, trí sáng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong trái tim giáo viên Thủ đô

Ông Ngô Bá Dục không nguôi nỗi tiếc thương người bạn học thân thiết...

Nhắn nhủ đến đồng nghiệp, học trò trong ngày quốc tang tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cô Giang chia sẻ: “Nếu ví mỗi quốc gia là một khu rừng thì đứng từ xa, người ta chỉ nhìn thấy những cây to. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một cây đại thụ của dân tộc Việt Nam.

Chiều mai (26/7), các cán bộ, giáo viên và học sinh hãy thể hiện lòng thành kính, biết ơn với Tổng Bí thư theo cách riêng của mình - có thể là hòa mình vào dòng người trên cung đường di quan Tổng Bí thư, có thể là thắp nén tâm hương tiễn biệt, hoặc đến trường tham dự buổi lễ cùng Hội đồng sư phạm nhà trường. Hãy để các em học sinh hiểu rằng vì sao Nhân dân, đất nước này thương nhớ tiễn biệt Tổng Bí thư. Đó cũng là một cách giáo dục tự nhiên nhất - giáo dục bằng những tấm gương!”.

Biết ơn người Cộng sản kiên trung

Trong niềm xúc động, tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cô Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ: “Tôi còn nhớ như in buổi lễ đón Tổng thống Cộng hòa Argentina Maurico Macri và phu nhân trong chuyến thăm cấp nhà nước vào ngày 20/2/2019. Khi lễ đón chưa bắt đầu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng phu nhân đi đến gần hỏi thăm thầy và trò nhà trường.

Bác khi ấy dù mái tóc đã bạc, da đã có nhiều nếp nhăn nhưng ánh mắt vẫn sáng, nụ cười vẫn hiền hậu, ấm áp vô cùng. Chính điều ấy đã làm bọn trẻ xóa tan mọi sự căng thẳng. Tôi thấy xúc động vô cùng vì không hình dung một lãnh đạo của đất nước lại có một phong cách bình dị và gần gũi đến thế. Có lẽ đây cũng chính là những kỉ niệm sâu sắc mà cả đời này tôi sẽ không bao giờ quên”.

Còn cô giáo Nguyễn Thị Cẩm Vân - trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội thì tâm sự: “Trái tim của người Cộng sản kiên trung Nguyễn Phú Trọng đã ngừng đập, để lại cho toàn dân niềm tiếc thương vô hạn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tim giáo viên, học sinh Thủ đô

Học sinh trường THCS Nguyễn Du vinh dự được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tham gia đón Tổng thống các nước sang thăm Việt Nam (Ảnh: NTCC)

Tổng Bí thư đã trọn đời hiến dâng cho sự nghiệp cao cả, như nhân vật người cộng sản trẻ tuổi Paven Coocsaghin trong tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy" mà ông ngưỡng mộ: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi phải hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, mang tai, mang tiếng, mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, có thể tự hào rằng: Ta đã sống có ích...".

Cô Vân cho biết, thầy và trò trường THCS Nguyễn Du vinh dự được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lễ đón Tổng thống các nước sang thăm Việt Nam. Ấn tượng đọng mãi trong kí ức của thầy trò nhà trường là hình ảnh vị lãnh đạo giản dị, thân thương, với ánh mắt trìu mến, dịu dàng và mái đầu bạc màu năm tháng.

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giờ đây đã về nơi thế giới người hiền. Di sản bác để lại cho Đảng, cho dân là ý chí kiên định con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội, là phong cách người Cộng sản kiên trung. Tổng Bí thư là tấm gương sáng vì nước, vì dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Trước giây phút đưa tiễn bác, thầy trò trường THCS Nguyễn Du kính cẩn bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn, sự kính trọng, tự hào và biết ơn dành cho bác. Ngọn lửa mà bác đã thắp lên sẽ còn cháy mãi với thời gian”, cô Cẩm Vân xúc động chia sẻ.

Không chỉ có các thầy cô giáo, nhiều học sinh bày tỏ niềm xúc động trong ngày quốc tang Tổng Bí thư. Em Ngô Mai Hà Phương - lớp 9A4, trường THCS Nguyễn Du chia sẻ: "Mặc dù chưa được gặp Tổng Bí thư nhưng cháu vẫn luôn dõi theo các tin tức về bác qua sách, báo, chương trình thời sự mỗi tối.

Bác là người vô cùng nhân hậu, cống hiến rất nhiều trong công cuộc gìn giữ và dựng xây đất nước. Dù bác đã không còn nhưng trái tim bác mãi sống trong lòng dân tộc ta. Cháu sẽ cố gắng, nỗ lực vươn lên trong học tập và rèn luyện để xứng đáng với thành quả bác đã dày công xây dựng, gìn giữ".

Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm tới sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Đích thân ông ký ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Nghị quyết ra đời trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa và thế giới bước sang kỉ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0. Nghị quyết 29-NQ/TW có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp chấn hưng giáo dục nước nhà, đánh dấu bước phát triển mới về tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với phát triển giáo dục và đào tạo, thể hiện quyết tâm chiến lược đổi mới giáo dục để phát triển bền vững đất nước cả trước mắt cũng như lâu dài.

Hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng nhân tài; chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học ; đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và tăng cường tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, từng bước tiếp cận xu hướng phát triển giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...