Sách giáo khoa phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV một lần nữa lại nóng lên vấn đề sách giáo khoa. Trong đó, tập trung vào hai vấn đề: Tiếp tục xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa hay trả lại cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn.
Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, nếu lại giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn và in sách giáo khoa thì còn tiếp tục tình trạng độc quyền, không phù hợp với bản chất kinh tế thị trường, đi ngược lại xu thế chung của thế giới. Luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải là đơn vị tổ chức biên soạn sách giáo khoa phục vụ công tác dạy học từ lớp 1 đến lớp 12.
Sách giáo khoa vẫn là chủ đề nóng (Ảnh minh họa). |
Về vấn đề này, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội diễn ra sáng 1/11, đại biểu Trần Văn Sáu (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) phát biểu: Hiện nay, không có nghị quyết nào phủ quyết Nghị quyết 88/2014/QH 13 của Quốc hội. Tại mục 3, Điều 2 Nghị quyết 88 nêu rõ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các bộ sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn. Trên tinh thần đó, đại biểu cho rằng, không nên biến xã hội hóa thành thương mại hóa sách giáo khoa. Thực tế cho thấy, ở lĩnh vực nào khi xã hội hoá đều hạ giá, riêng sách giáo khoa càng xã hội hóa thì giá càng tăng. Đây là một nghịch lý và không có căn cứ nào để đảm bảo rằng sách giáo khoa tiếp tục không tăng giá?
Trước đó, phát biểu tại Phiên giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, diễn ra ngày 14/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, xã hội hóa nhưng vẫn phải bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Theo Chủ tịch Quốc hội, tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12, gồm 137 đầu sách. Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn sách giáo khoa, một hoặc một số đầu sách theo khả năng, không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ sách giáo khoa.
… Như chúng ta đều biết, xét ở phạm trù cơ chế, mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo để tạo là nguồn nhân lực vừa hồng, vừa chuyên phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Bởi thế, xét cho cùng đã là sách giáo khoa phục vụ công tác giảng dạy, học tập thì Bộ tham mưu hoạch định chính sách và quản lý Nhà nước phải là cơ quan đứng ra biên soạn sách giáo khoa dùng cho việc giảng dạy ở các cấp học phổ thông. Các đơn vị khác, chỉ có thể biên soạn sách tham khảo trên cơ sở đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép. Còn chỉ xã hội hóa phần in, trên cơ sở đơn vị nào bỏ giá rẻ, đảm bảo chất lượng thì in. Không nên bàn luận vấn đề “độc quyền” biên soạn sách giáo khoa. Vì đây là nền tảng giáo dục của một quốc gia.