Nhiều học sinh chủ động chọn "rẽ lối" sang trường nghề
Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2024-2025. Nhiều học sinh đã không đỗ lớp 10 trường công lập đã chủ động “rẽ lối” sang học nghề.
Hướng đi mở cho học sinh cuối cấp
Năm học này, toàn thành phố có hơn 105.000 thí sinh dự thi nhưng chỉ tiêu vào các trường công lập chỉ xấp xỉ 61%. Do đó, trong trường hợp không trúng tuyển lớp 10 trường THPT công lập, phụ huynh học sinh có thể tìm hiểu, đăng ký lựa chọn nguyện vọng dự tuyển vào các trường tư thục hoặc trường công lập tự chủ tài chính hay chuyển hướng sang trường nghề.
Nhiều học sinh chủ động rẽ hướng sang học nghề để vừa học vừa làm, đồng thời kiếm thêm thu nhập |
Thạc sĩ Lê Anh Tuấn, Chuyên gia hướng nghiệp, khởi nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm và Hỗ trợ Thanh thiếu niên Hà Nội cho rằng: “Ý nghĩa quan trọng nhất của việc phân luồng giáo dục đó chính là giúp các em tìm ra được năng lực, điểm mạnh của chính mình để lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp với tính cách của bản thân”.
Thay vì tư vấn một chiều, hiện nay, nhiều trường học đã đổi mới lồng ghép hoạt động tư vấn, hướng nghiệp một cách trực quan sinh động. Không ít trường THCS chủ động kết nối phối hợp với các đơn vị, trường dạy nghề tổ chức những buổi trải nghiệm ngành nghề cho các em học sinh lớp 9. Qua đó giúp các em tương tác, tự đưa ra lựa chọn.
Em Hà Phương Linh, học sinh trường THCS Phú Diễn (Bắc Từ Liêm) cho biết: “Dù tham gia kỳ thi vào lớp 10 THPT vừa qua nhưng trước đó em đã lựa chọn trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Trường em thi thoảng phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp nghề để tư vấn, hướng nghiêp cho học sinh, khi trải nghiệp nghề thực tế, em đã rất thích công việc chăm sóc sắc đẹp. Sau khi biết kết quả thi, trượt nguyện vọng 1 nhưng em không cảm thấy buồn, vì ngành học mà em yêu thích, em đã lựa chọn trước khi thi”.
Học sinh được tham quan, tìm hiểu nghề nghiệp tại các trường cao đẳng, GDTX |
Em Lê Thị Đoàn Thu, học sinh trường THCS Cổ Bi (Gia Lâm) đã có định hướng chắc chắn hơn cho bản thân sau những buổi tư vấn, hướng nghiệp ở trường và tại địa phương: “Việc tham gia các buổi hướng nghiệp, tham quan trường nghề bằng trực quan sinh động khiến em không thấy nhàm chán, ngược lại em đã định hướng trong đầu lối đi trong tương lai của mình. Em biết sức học của mình đến đâu và thấy mình phù hợp với việc học nghề. Vì vậy em lựa chọn học nấu ăn”.
Đổi mới tư duy hướng nghiệp
Phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh sau cấp THCS, THPT được coi là giải pháp tích cực nhằm phát triển hợp lý nguồn nhân lực. Tuy nhiên thời gian qua, tại nhiều trường học, công tác hướng nghiệp vẫn còn cứng nhắc, nặng vấn đề thành tích. Đã đến lúc cần phải đổi mới tư duy trong công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Việc phân luồng, hướng nghiệp đang được đẩy mạnh ở các nhà trường nhằm tạo cơ hội thuận lợi cho học sinh phát triển nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường và hoàn cảnh của cá nhân học sinh. |
Chia sẻ về việc định hướng cho tương lai của nhiều học sinh THCS, bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc khu vực miền Bắc của Navigos Search (công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao) nhận định: “Có thể đâu đó nhà trường hoặc gia đình muốn hướng học sinh đến những lựa chọn an toàn để các em có cơ hội tốt nhất đạt được các nguyện vọng. Tuy nhiên thực tế xã hội có rất nhiều thay đổi, bản thân con người cũng có nhiều thay đổi.
Nếu gia đình nhà trường định hướng không phù hợp thì sau này các em không có niềm đam mê, đó sẽ là sai lầm”.
Trên thực tế, phân luồng và hướng nghiệp THCS/THPT cần có sự đánh giá thực chất, tránh làm tổn thương học sinh. Việc phân luồng phải dựa trên năng lực và lựa chọn định hướng nghề nghiệp của các em thay vì chú trọng thành tích.
Theo các chuyên gia, bản thân các trường nghề cần phải chủ động tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp lưu động để cung cấp thông tin về ngành nghề đào tạo, cơ hội việc làm; đổi mới cách tiếp cận học sinh đi liền với nâng cao chất lượng đào tạo.
Nhiều mô hình đào tạo nghề cho phép học sinh học nghề sớm, từ đó tạo ra nguồn nhân lực tay nghề cao cho xã hội |
Ông Nguyễn Công Minh, Trưởng phòng GDTX, Trường Cao đẳng Ngoại ngữ và Công nghệ Hà Nội nhấn mạnh: “Nếu như chúng ta biết cách làm thì học sinh sẽ rất thích bởi bản chất các em ưa hoạt động. Vậy thì mình để cho các em tự hiểu ra vấn đề, có chính kiến, tự quyết định nghề của mình. Từ đó sẽ khắc phục được tình trạng học nghề xong thì bỏ”.
Lãnh đạo trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho cho rằng: “Nhà trường đã phối hợp với các trường THCS, THPT chủ động tổ chức hoạt động hướng nghiệp, phân luồng từ sớm bằng nhiều hình thức. Đặc biệt đối với học sinh năm cuối cấp THCS giúp các em tiếp cận được thông tin tốt nhất để có lựa chọn đúng cho bản thân”.
Câu chuyện “học sinh trượt trường THPT công lập, các em sẽ học ở đâu?” đã và đang là mối quan tâm, lo lắng từ nhiều năm nay của các phụ huynh có con không đỗ vào lớp 10. Vì vậy, vấn đề phân luồng, hướng nghiệp chuyển thành “phân luồng mềm” trong tư tưởng học sinh chỉ đạt khi đến từ sớm và từ chính thay đổi trong nhận thức của nhà trường, phụ huynh và học sinh.