Nâng cao chất lượng giáo dục qua những tiết học hạnh phúc
Dạy học bằng tình yêu, lắng nghe và chấp nhận lỗi sai của trò, kiểm soát cảm xúc của bản thân,… đó là một trong những biện pháp mà giáo viên các trường tiểu học quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã và đang áp dụng cho một lớp học hạnh phúc.
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Chia sẻ về lớp học hạnh phúc, cô giáo Lê Thanh Hương - Trường Tiểu học Trưng Trắc (quận Hai Bà Trưng) cho hay: Lớp học hạnh phúc hiểu một cách đơn giản nhất là mỗi ngày đến lớp cô và trò gặp nhau đều vui tươi, phấn khởi. Nhiệm vụ của các thầy, cô không chỉ đơn giản là lên lớp với những bài giảng trong sách vở mà còn phải vận dụng thực tế, chuyển tải kiến thức, giúp các con biết thêm nhiều điều thú vị. Do vậy, sứ mệnh của người thầy lại càng trở nên thiêng liêng và cao cả hơn bao giờ hết.
Giờ học môn tự nhiên xã hội của các em học sinh lớp 3A3 Trường Tiểu học Trưng Trắc. |
Sau khi nghe những chia sẻ của cô giáo Lê Thanh Hương, chúng tôi đã có dịp được trải nghiệm lớp học hạnh phúc tại lớp 3A3 Trường Tiểu học Trưng Trắc. Cụ thể, trong giờ học môn tự nhiên xã hội với chủ đề “Điều chế kem đánh răng”, tích hợp một số nội dung về môn toán, khoa học, bảo vệ môi trường…, để tạo sự hứng khởi cho các em học sinh, vào đầu tiết học, cô giáo đã cho cả lớp thực hiện phần khởi động với bài hát “Xoay, xoay, xoay” và tham gia trò chơi “Bác sĩ nhí” trước khi bước vào tiết học chính thức. Bước sang phần khám phá, những kiến thức khoa học được cô giáo truyền tải dưới dạng video sinh động khiến học sinh hào hứng đón nhận và ghi nhớ tốt hơn.
Một trong những hoạt động khiến các em học sinh thích thú là “Thiết kế ý tưởng”, bằng việc sử dụng sơ đồ tư duy với hình ảnh, màu sắc sinh động. Sau khi đã điều chế được sản phẩm kem đánh răng thành công, các em học sinh còn thể hiện sự sáng tạo trong việc đặt tên và dán nhãn cho sản phẩm của mình.
Các nhà “sáng chế tí hon” có lý luận chặt chẽ để bảo vệ quan điểm đặt tên sản phẩm của mình với những cái tên rất ngộ nghĩnh như: “Kem đánh răng Coconut Apple” vì có hương vị từ tinh dầu táo, kem đánh răng nano curcumin vì có tinh bột nghệ, hay “Kem đánh răng chanh đỏ”, “Kem đánh răng sweet cherry”,…
Điều đáng chú ý là trong suốt tiết học, thái độ ân cần, quan tâm động viên tới từng học sinh trong lớp được cô giáo bộc lộ rất tự nhiên, chân thành làm cho mỗi học sinh không chỉ được gắn kết với bài học mà còn gắn kết với cô giáo, với bạn bè trong một không gian tràn ngập cảm xúc tích cực. Khuôn mặt của các em học sinh lớp 3A3 trong buổi học luôn rạng rỡ niềm vui.
Cô và trò Trường Tiểu học Trưng Trắc. |
Nâng cao năng lực và phẩm chất của trò
Từ ghi nhận thực tế trong tiết học môn tự nhiên xã hội của các em học sinh lớp 3A3 Trường Tiểu học Trưng Trắc, điều dễ nhận thấy đó là hầu hết các em học sinh đều tự tin, mạnh dạn, sẵn sàng bày tỏ với cô giáo những điều các em còn băn khoăn, chưa hiểu. Đồng thời, mạnh dạn đề xuất, lựa chọn giải pháp điều chế kem đánh răng, lên ý tưởng trong nhóm, trình bày ý tưởng trước lớp, triển khai thực hành làm sản phẩm, đánh giá điều chỉnh sản phẩm,…
Cô giáo Đoàn Thị Thúy Giang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trưng Trắc chia sẻ: Xây dựng lớp học hạnh phúc là mục tiêu nhà trường luôn hướng tới. Để tạo cho lớp học không khí vui tươi, các cô giáo luôn chủ động thiết kế các ý tưởng để xây dựng lớp học của mình thành một “Lớp học Hạnh phúc”.
“Việc làm này đòi hỏi các thầy, cô giáo phải có sự thay đổi nhận thức, đồng nghĩa với việc bản thân Hiệu trưởng cũng phải luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu đồng hành và tạo được sự kết nối giữa nhà trường, cán bộ - giáo viên - nhân viên và học sinh - cha mẹ học sinh. Hy vọng các trường học sẽ ngày càng có thật nhiều “Tiết học Hạnh phúc” để các thầy, cô giáo và các em học sinh đến trường được hạnh phúc, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của ngành”.
Năm học 2022 - 2023 được xác định là năm trọng tâm đổi mới. Trong sự đổi mới đó, việc xây dựng những “Ngôi trường hạnh phúc” được cho là nhiệm vụ lớn của ngành. Trường học hạnh phúc hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn, tôn trọng. Trong đó mỗi thành viên từ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh nói lên suy nghĩ, có điều kiện đổi mới sáng tạo, phát huy hết các năng lực cá nhân. |