Lại chuyện sách giáo khoa!
Lớp 7 của con tôi là lứa đầu tiên sử dụng bộ sách giáo khoa (SGK) mới của cấp THCS.
Năm học 2022 - 2023, trường của các con học sách Khoa học tự nhiên của bộ “Chân trời sáng tạo”, song theo thông tin từ cô giáo, năm lớp 8 tới đây các con sẽ được dùng bộ sách khác vì bộ “Chân trời sáng tạo” không nằm trong danh mục được phê duyệt. Năm học mới chưa tới mà chuyện SGK đã bắt đầu “nóng” lên rồi!
Phụ huynh lựa chọn sách giáo khoa cho con tại Nhà sách Giáo dục (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh minh họa: Nga Nguyên |
Trong buổi họp cuối năm, trả lời thắc mắc của phụ huynh về bộ SGK lớp 8 của năm tới, cô giáo chủ nhiệm (là giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên) của lớp con tôi chia sẻ: Hiện giờ chưa có quyết định chính thức từ nhà trường và hiệu sách cũng chưa bán nhưng cô biết chắc chắn môn Khoa học tự nhiên năm tới sẽ không dùng bộ “Chân trời sáng tạo” nữa. Quyết định số 4606/QĐ-BGDĐT ngày 28/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố danh mục SGK lớp 8 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, trong đó sách Khoa học tự nhiên chỉ có hai bộ là “Cánh diều” và “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Với vai trò là một giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, cô rất tiếc vì theo cô sách của bộ “Chân trời sáng tạo” dễ hiểu và phù hợp với trình độ của học sinh.
Chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK cho đến nay mới đi được nửa chặng đường nên chưa có đủ căn cứ để đánh giá một cách thấu đáo thành công hay không và cho dù có nhiều ý kiến cần xem xét lại, điều chỉnh lại nhưng người đứng đầu ngành đã đề nghị cần để cho chương trình đi hết chặng đường rồi mới đánh giá chứ không thể dừng giữa chừng. Phát biểu trong Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ngày 9/5/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho rằng Chương trình giáo dục phổ thông mới gắn liền với chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK là một cuộc cách mạng trong giáo dục, nằm trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà. Khi chương trình đã đi nửa chặng đường nếu quay lại một bộ SGK như trước đây là đi ngược lại tinh thần, triết lý mở, tự do, chủ động, sáng tạo mà chương trình mới đang đặt ra.
Tôi đồng tình với chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK nhưng trong trường hợp học sinh năm này học bộ sách này, năm sau lại chuyển sang bộ khác thì tôi thấy có gì đó chưa ổn. Rõ ràng cùng một chương trình, nội dung cơ bản là giống nhau nhưng các bộ SGK khác nhau sẽ có sự triển khai dạy và học khác nhau. Vì vậy, nếu đang học môn học A của bộ SGK B nay lại chuyển sang bộ SGK C rồi năm sau lại sang bộ SGK D thì có ổn không? Mỗi một bộ SGK sẽ có mạch triển khai kiến thức, tổ chức dạy học, bài tập, ôn tập khác nhau nên sẽ thế nào nếu các em được học theo kiểu “giật cục” như thế này?
Chuyện tương tự đã từng xảy ra với lứa học sinh lớp 1 năm học 2020 - 2021. Năm học 2020 - 2021, nhiều trường học đã chọn cho lớp một bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” và bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” thì đến năm học 2021 - 2022 đã ngỡ ngàng vì hai bộ này “bỗng dưng biến mất”. Học sinh lớp 2 không thể tiếp tục sử dụng SGK cùng một bộ tương ứng với lớp 1. Dù Nhà xuất bản Giáo dục đã lý giải rằng họ hợp nhất bốn bộ sách còn hai bộ. Cụ thể bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” được hợp nhất từ bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và bộ “Cùng học để phát triển năng lực”; bộ “Chân trời sáng tạo” được hợp nhất từ bộ “Chân trời sáng tạo” và “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục”. Nhà xuất bản Giáo dục cho rằng giữa bốn bộ SGK lớp 1 và hai bộ SGK lớp 2 có sự liên thông chặt chẽ nên dù lớp 1 sử dụng bộ nào thì đến lớp 2 đều có thể lựa chọn một trong hai bộ còn lại. Giải thích của Nhà xuất bản chưa đủ làm cho thầy cô và phụ huynh an lòng.
Thiết nghĩ, giáo dục cần đổi mới thường xuyên để không bị tụt hậu với sự đổi thay nhanh chóng của cuộc sống. Nhưng để đổi mới có hiệu quả thì đòi hỏi sự thống nhất, kiên trì chứ chẳng thể nóng vội hay liên tục điều chỉnh nay cái này mai cái khác.