Hà Nội chọn 4 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã quyết định lựa chọn 4 đề tài tham dự Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Đây là 4 đề tài xuất sắc nhất được lựa chọn từ 97 đề tài của học sinh tham dự Cuộc thi cấp Thành phố do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức vào cuối tháng 12/2023.
Tác giả của 4 đề tài này là các nhóm học sinh của 4 trường, gồm: Trung học phổ thông Chu Văn An (quận Tây Hồ), Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm), Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) và Trung học cơ sở Cát Linh (quận Đống Đa).
Học sinh quận Ba Đình trình bày đề tài tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quận dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024 |
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Bộ GD&ĐT phát động hằng năm trên cả nước nhằm mục đích khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề của thực tiễn cuộc sống; tạo cơ hội để học sinh nghiên cứu khoa học, tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.
Theo dự kiến, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024 sẽ diễn ra vào tháng 3/2024. |
Cuộc thi cũng nhằm chuẩn bị cho học sinh trung học tác phong nghiên cứu khoa học, năng lực nghề nghiệp và tiềm năng khởi nghiệp sau khi học xong các trường trung học, góp phần thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông; gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, góp phần phát triển phẩm chất năng lực của học sinh.
Những năm qua, Hà Nội luôn là địa phương có số lượng đề tài dự thi cấp quốc gia nhiều nhất và có nhiều dự án đoạt giải cao. Các dự án được lựa chọn dự thi cấp Thành phố năm học 2023 - 2024 cho thấy, nhiều học sinh các trường học ở Hà Nội thực sự có phẩm chất và năng lực của nhà khoa học. Các ý tưởng sáng tạo của học sinh đã được hiện thực hóa và giải quyết nhiều vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Những thành công bước đầu này mở ra một hướng phát triển mới cho giáo dục phổ thông.