Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Góp phần khẳng định vị thế giáo dục Thủ đô

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của nước ta đã và đang đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện. Làm nên những kết quả đó là sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự nỗ lực, ý thức trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Những người “truyền lửa”

Ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, người thầy luôn có vị trí quan trọng trong việc đào tạo ra những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Thời gian qua, bằng tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”, đội ngũ các nhà giáo Thủ đô đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu, sáng tạo để truyền tải kiến thức, đưa những bài giảng chất lượng, giờ học hay đến với lớp lớp các thế hệ học trò. Thầy giáo Nguyễn Đức Trường (giáo viên môn Toán, Trường Trung học cơ sở Đa Tốn, huyện Gia Lâm) là một ví dụ.

Góp phần khẳng định vị thế  giáo dục Thủ đô

Thầy, cô giáo là những người truyền cảm hứng, tạo động lực cho học sinh say mê học tập và tham gia các hoạt động trải nghiệm cuộc sống.

Do ảnh hưởng di chứng chất độc mầu da cam trong chiến tranh từ người cha để lại mà thầy Trường sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi. Đôi chân thầy bị chứng teo cơ nên đi lại hết sức khó khăn, thường phải nhờ sự trợ giúp của người thân. Ngoài những ngày đi châm cứu chữa bệnh, thầy tập đi và cố gắng đến trường. Dù mệt mỏi, đau đớn nhưng với lòng ham học và nghị lực vượt khó phi thường, thầy Trường đã vượt qua khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.

Mỗi bước chân đến lớp của cậu bé Nguyễn Đức Trường năm ấy, mỗi bước chân lên bục giảng của thầy giáo Nguyễn Đức Trường ngày nay đều chất chứa biết bao gian khó, nhọc nhằn. Nhưng đó cũng là những bước chân can đảm nhất, mạnh mẽ nhất, trở thành bài học không lời mà cao thượng, sâu sắc diệu kỳ cho những học sinh của thầy và cho tất cả chúng ta. Với thầy Trường, Toán học chính là ngọn lửa của niềm đam mê, để rồi khi chọn con đường sư phạm, thầy đã trở thành người “giữ lửa” và “truyền lửa” cho biết bao thế hệ học trò. Mỗi bài giảng của thầy đều chứa đựng sự nhiệt tình chân thành, xuất phát từ nguyện vọng tha thiết để học sinh thêm hiểu, thêm yêu môn học.

“Với tôi, thầy như một người cha hiền từ mang đến cho tôi nụ cười tuổi thơ và giúp cho tôi hiểu được ý nghĩa của Toán học”; “Thầy chính là người đã nuôi dưỡng ước mơ trong tôi, giấc mơ về nghề thầy giáo dạy Toán”; “Thầy không chỉ là tấm gương sáng của tôi trong học tập mà còn trong cách làm người ở chính sự vị tha, sự lạc quan và cả nghị lực của thầy”... Đó chính là những lời tâm sự chân thành của rất nhiều thế hệ học sinh Trường Trung học cơ sở Đa Tốn dành cho thầy Trường.

Gần 30 năm gắn bó với giáo dục đặc biệt, trưởng thành từ vị trí giáo viên, Tổ trưởng chuyên môn, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn khối Tiểu học, Hiệu trưởng phụ trách trường, cô giáo Lê Thanh Hà (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh, quận Hoàn Kiếm) luôn cần mẫn mày mò những phương pháp, cách làm để nhà trường hoạt động hiệu quả, trở thành “ngôi nhà chung” tràn đầy tình thương yêu đối với những đứa trẻ thiếu may mắn. Nhiều phụ huynh có con theo học tại trường chia sẻ, trước khi xin cho con vào học, họ đã lặng lẽ đến trường quan sát và rất ngạc nhiên khi thấy buổi sáng cô Hiệu trưởng ra tận cổng trường đón học sinh bằng những cái ôm ấm áp và nụ cười hiền hậu.

Hay như cô giáo Trương Thị Hiền (giáo viên Trường Tiểu học Tân Định, quận Hoàng Mai) đã xây dựng thành công ứng dụng “Sổ tay đến trường”, kết nối hiệu quả giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục học sinh. Ứng dụng đã giúp ích rất nhiều cho quá trình dạy học theo định hướng cá thể hóa, nhất là với học sinh hòa nhập. Theo đó, giáo viên có thể giao nhiệm vụ riêng cho từng học sinh, giúp các em không cảm thấy mình có sự khác biệt hoặc bị bỏ quên so với các bạn cùng lớp, bảo đảm được nguyên tắc về kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học là không so sánh giữa các học sinh, lại có thể tạo động lực giúp các em phát huy năng lực, sở trường để tự tin tiến bộ.

Nếu như đầu năm học 2022-2023, mới có 1/3 phụ huynh sử dụng ứng dụng, thì đến nay, gần như 100% phụ huynh ở lớp cô chủ nhiệm đều truy cập thường xuyên. Hiện tại, ứng dụng cũng đang được thử nghiệm ở một số lớp và được các đồng nghiệp đánh giá cao. Cô giáo Nguyễn Thị Nhàn (giáo viên Trường Tiểu học Tân Định) cho rằng, đây là ứng dụng khá hay và khả thi, có thể hỗ trợ giáo viên trong việc tăng cường kết nối với phụ huynh để nâng cao chất lượng dạy học, đặc biệt là có thể quan tâm nhiều hơn đến từng học sinh và phát huy mặt mạnh của từng em.

Nền tảng quyết định chất lượng giáo dục

Đây chỉ là ba trong số rất nhiều tấm gương nhà giáo Thủ đô đang miệt mài cống hiến và sẵn sàng vượt khó. Họ không chỉ dạy kiến thức, mà còn giáo dục học sinh bằng chính cuộc đời của mình, đồng thời là những người “truyền lửa” nhiệt huyết cho đồng nghiệp.

Những năm qua, ngành GD&ĐT Hà Nội đã có nhiều đổi mới với những bước phát triển nổi bật và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại và đạt chuẩn với nhiều loại hình trường, lớp, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.

Toàn ngành có hơn 150.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đổi mới giáo dục. Chỉ tính 5 năm gần đây, học sinh Hà Nội đã giành được 675 giải quốc gia và 82 Huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Hiện nay, Hà Nội là một trong bốn địa phương đầu tiên trên cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Hà Nội luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc về giáo dục.

Những thành tựu này có đóng góp không nhỏ của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục Thủ đô - những người “chở đạo”, “trồng người”, “ươm mầm tri thức” đã và đang phấn đấu không ngừng nghỉ vì sự nghiệp giáo dục, vì niềm say mê, yêu nghề, mến trẻ.

Thời gian tới đây, ngành GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa để không ngừng nâng cao chất lượng GD&ĐT; chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; quan tâm phương pháp kiểm tra, đánh giá với tinh thần “học thật, thi thật, nhân tài thật”; tích cực, chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố về cơ chế chính sách trong lĩnh vực GD&ĐT theo hướng bảo đảm tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở giáo dục; xây dựng chính sách xã hội hóa giáo dục và tạo sự bình đẳng giữa các loại hình giáo dục; thu hút mọi nguồn lực xã hội và phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức để xây dựng xã hội học tập, phát triển kinh tế tri thức phục vụ thiết thực yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô…

Có thể khẳng định, ngành GD&ĐT Thủ đô đang có những bước đi căn bản, vững chắc trong hành trình đổi mới. Trên con đường đó, các thế hệ nhà giáo bằng trí tuệ, tâm huyết, tình yêu nghề và đức hy sinh đã, đang âm thầm đóng góp quan trọng làm nên những dấu ấn tự hào trong sự nghiệp “trồng người”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức, đã nhấn mạnh: “Lực lượng nhà giáo hiện nay đông đảo về số lượng và nhìn về tổng thể, toàn bộ lực lượng nhà giáo luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất của nhà giáo - đó là tinh thần sáng tạo không ngừng, tiên phong trong việc phát triển tri thức, đổi mới sáng tạo, vững vàng về tư tưởng, mẫu mực về đạo đức, nhân cách, đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội và hết lòng vì học sinh thân yêu. Giai đoạn dịch bệnh Covid-19 suốt hơn 2 năm qua đặt ngành GD&ĐT trước thách thức lớn, nhưng chính trong khó khăn và thử thách đó, lực lượng nhà giáo lại một lần nữa thể hiện tinh thần sáng tạo, trách nhiệm, bền bỉ, hy sinh, tận hiến cho sự nghiệp “trồng người”, đã phần nào hạn chế được tác động tiêu cực của dịch bệnh, duy trì được hoạt động của giáo dục”.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...