Giáo viên muốn đổi mới phương thức kiểm tra nhưng "không có đất diễn”
Giáo viên lên nhiều ý tưởng để đa dạng hoá phương thức kiểm tra học sinh, song lại gặp khó trong khâu triển khai.
Sau khi Bộ GDĐT ban hành thông tư số 26 về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT, một số giáo viên đã chủ động đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá giúp học sinh vừa có chiều sâu về kiến thức, vừa bổ sung thêm nhiều kỹ năng. Có giáo viên quyết định cho học sinh tham gia dự án về văn hoá người Việt để lấy điểm hệ số 3 môn Ngữ văn, có người tổ chức cuộc thi về lịch sử để lấy điểm hệ số 2 môn Lịch sử.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều giáo viên cho biết gặp khó khăn trong việc đổi mới cách thức đánh giá.
Các học sinh được giáo viên cho tham gia dự án để lấy điểm kiểm tra học kỳ. Ảnh: Hoài Anh |
Thay vì kiểm tra lý thuyết theo cách “truyền thống”, thầy Lương Hải - một giáo viên Giáo dục công dân tại Yên Bái cho học sinh làm việc nhóm để cùng nhau lên kịch bản xử lý một tình huống mà thầy đưa ra. Thêm vào đó, các học sinh phải diễn lại tình huống và quay, dựng video thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Bài tập này sẽ lấy điểm hệ số 2 học kỳ 1 môn Giáo dục công dân.
Khi nhận đề bài, hầu hết các học sinh lớp 10 lúng túng do không biết cách làm việc nhóm, không biết cách quay và dựng video. Dù được thầy hướng dẫn, song do không có nhiều nguồn tài liệu tra cứu, các sản phẩm của học sinh đều không đạt yêu cầu mà thầy đưa ra. Cuối cùng, thầy Hải phải bù ra một buổi khác để học sinh làm bài kiểm tra trên giấy.
Thầy Vũ Tiến Sĩ – giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS & THPT huyện Xín Mần, Hà Giang cho biết, hầu hết các học sinh vùng cao không có kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm như học sinh ở các thành phố lớn.
“Việc khai thác thông tin trên mạng của học sinh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn học sinh không có điện thoại, máy tính. Khi muốn tra cứu một thông tin gì đều phải đợi đến giờ Tin học để ngồi máy của trường”, thầy Sĩ nói.
Thêm vào đó, khi thầy cô muốn đổi mới, tổ chức một dự án cho học sinh tham gia thì nguồn kinh phí cũng là một vấn đề lớn.
Cô Lò Thị Thầm – giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Sín Chải, Điện Biên cũng luôn đau đáu đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh của mình. Tuy nhiên, 38 học sinh lớp cô đang giảng dạy đều thuộc diện khó khăn, không được tiếp xúc nhiều với công nghệ.
“Giáo viên khi gặp những đối tượng học sinh như vậy cũng khó để triển khai nhiều dự án mới, bởi có thể chính những dự án đó sẽ làm khó, gây áp lực cho học sinh. Nhiều khi giáo viên muốn đổi mới phương thức kiểm tra nhưng lại không có đất diễn", cô Thầm nói.
Nữ giáo viên mong muốn trong thời gian tới, cơ sở vật chất tại nhà trường sẽ được cải thiện, đáp ứng nhu cầu học tập và tìm kiếm thông tin của học sinh. Thêm vào đó, cô hy vọng có cơ hội được trao đổi cùng các giáo viên đã triển khai thành công những dự án cho học sinh để học tập, tham khảo.