Giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh
Hà Nội, Thủ đô nghìn năm văn hiến. Ca dao từ xưa đã mô phỏng “Người thanh nói tiếng cũng thanh” để thấy rằng người Tràng An thanh lịch với nhận dạng đầu tiên là ngôn ngữ nhã nhặn, khiêm tốn. Chẳng thế mà những lời như “cảm ơn”, “cảm phiền”, “xin lỗi”… luôn khiến người nghe vừa lòng. Nói như vậy để thấy, việc giữ lại được những gì đặc trưng, phát huy hơn nữa lối ứng xử văn hóa, văn minh là hết sức cần thiết.
Coi con người là trung tâm để xây dựng và phát triển văn hóa, Hà Nội đang duy trì và ngày càng hoàn thiện bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” thực hiện trong trường học. Qua 12 năm thực hiện, bộ tài liệu đã góp phần giáo dục các học sinh về thái độ và hành vi cần có trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử để trở thành học sinh thanh lịch, văn minh.
Nội dung các bài giảng trong bộ tài liệu được thiết kế phù hợp với từng lớp học, tâm sinh lý của học sinh nên theo đánh giá của nhiều giáo viên, ứng xử của học sinh trong các mối quan hệ như đối với thầy cô, cha mẹ, bạn bè, anh chị lớp trên, với người cùng tham gia giao thông... có sự chỉn chu, hòa nhã hơn. Năm học này, Hà Nội triển khai giảng dạy nếp sống thanh lịch, văn minh cho trẻ từ 5 đến 6 tuổi với mục tiêu phấn đấu 100% trẻ mẫu giáo trong độ tuổi nhận biết được những hành vi đúng và đẹp, từ đó gieo mầm trong nhận thức của trẻ về nét đẹp thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.
Tuy nhiên, để học sinh Thủ đô tiếp nhận điều hay lẽ phải một cách tự nhiên trên cơ sở dễ hiểu, dễ thực hành trong những việc làm và mối quan hệ diễn ra hằng ngày của các em, cần nhiều giải pháp đồng bộ từ gia đình, nhà trường, xã hội và cộng đồng. Giáo dục về đạo đức là một quá trình lâu dài, nhất là đối với học sinh chưa ngoan. Không thể qua một bài giảng, các em có thể ngoan ngay. Hiện nay, tình trạng học sinh nói tục diễn ra khá phổ biến. Dạo quanh các cổng trường vào giờ tan học, ghé qua các quán cóc vỉa hè hoặc truy cập vào các diễn đàn của học sinh trên mạng, không khó để thấy những lời nói tục. Ngay với học sinh nhỏ tuổi, tình trạng này cũng không phải là hiếm.
Nhìn vào văn hóa ứng xử của người Hà Nội hôm nay, có thể thấy, sự hội nhập, giao thoa của các luồng văn hóa. Nói tục, chửi bậy cho đến bây giờ cũng vẫn còn và không hề dễ dàng để loại bỏ nó. Tuy nhiên, có câu nói: “Người ta sẽ trở nên tốt hoặc sẽ không ra gì, tùy theo nền giáo dục được hấp thụ”. Để con trẻ không bị ảnh hưởng bởi những ngôn từ dung tục, bản thân những người làm cha, làm mẹ, làm thầy không chỉ chuyên tâm uốn nắn lời ăn tiếng nói của con em mình mà quan trọng hơn, họ phải thật sự là tấm gương về sự lịch thiệp, mẫu mực trong văn hóa ứng xử. “Mưa dầm thấm lâu”, cái đẹp nảy nở sẽ lấn át, đẩy lùi cái xấu.
Chính vì thế, đã đến lúc chúng ta cần hiểu rằng, xây dựng văn hoá ứng xử là một trong những yếu tố rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục học sinh - những mầm non tương lai của đất nước. Vấn đề này phải được coi là trọng tâm và quan trọng nhất trong từng trường học. Trường học là nơi đào tạo những lớp người có tri thức để phục vụ xã hội. Môi trường giáo dục lành mạnh là điều kiện tiên quyết để đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt có tài năng, đạo đức. Trong môi trường giáo dục, các em phải biết về trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân đối với nhà trường, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ khác.
Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học là dạy cho các em học cách ứng xử từ những điều nhỏ nhất như: Văn hóa xếp hàng, tự phục vụ, cách xưng hô với bạn bè, thái độ khi giao tiếp ứng xử với những người xung quanh, sử dụng mạng xã hội lành mạnh, tạo ra những nét đẹp trong hành vi của thầy cô và học sinh đối với các mối quan hệ thầy trò, bạn bè và môi trường xung quanh. Đó là những điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng nó mang lại mục tiêu chung trong nhà trường là tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, nhằm góp phần xây dựng con người Việt Nam yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.