Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn

Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn cần nỗ lực từ nhiều phía, bao gồm nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh và các cấp quản lý giáo dục.

 
Giờ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi tại Trường THCS Lưu Văn Mót (Vũng Liêm, Vĩnh Long).
Giờ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi tại Trường THCS Lưu Văn Mót (Vũng Liêm, Vĩnh Long).
 

Nhiệm vụ nặng nề, có tính chuyên biệt

Những năm qua, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được Trường THCS Lưu Văn Mót (Vũng Liêm, Vĩnh Long) đặc biệt quan tâm. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Tuấn cho biết, nhà trường lập kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi ngay từ đầu năm học, xác định rõ mục tiêu, nội dung, thời gian, phương pháp giảng dạy. Kế hoạch được xây dựng dựa trên cơ sở phân tích kết quả học tập của học sinh từ những năm học trước và định hướng phát triển của nhà trường.

Học sinh được tuyển chọn thông qua các kỳ thi khảo sát năng lực, đánh giá kết quả học tập và sự đam mê, nỗ lực của các em. Đội tuyển học sinh giỏi được thành lập theo từng môn học, căn cứ vào kết quả học tập và năng lực thực tế của học sinh.

Phụ trách công tác bồi dưỡng ôn luyện học sinh giỏi là giáo viên có kinh nghiệm, chuyên môn cao, tâm huyết. Thầy cô cũng được giao nhiệm vụ thiết kế chương trình ôn luyện phù hợp với trình độ học sinh, bám sát cấu trúc đề thi.

Hoạt động bồi dưỡng được tổ chức linh hoạt, hiệu quả. Lớp bồi dưỡng thường được tổ chức ngoài giờ học chính khóa; kết hợp nhiều hình thức dạy học: luyện đề, giải bài tập nâng cao, thảo luận nhóm, hướng dẫn tự học...; sử dụng tài liệu chuyên sâu, đề thi các năm trước và tài nguyên học liệu số để tăng hiệu quả ôn tập.

Nhà trường thường xuyên theo dõi tiến độ học tập của học sinh, tổ chức các buổi kiểm tra, đánh giá định kỳ để điều chỉnh phương pháp dạy-học phù hợp. Giáo viên, nhà trường đưa phản hồi kịp thời để học sinh cải thiện điểm yếu, phát huy điểm mạnh trong quá trình ôn học sinh giỏi.

Nhờ nỗ lực trên, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của nhà trường đạt kết quả khả quan. Số lượng, chất lượng học sinh đạt giải các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh ngày càng tăng. 3 năm qua, nhà trường có 45 học sinh giỏi huyện, 9 học sinh giỏi tỉnh.

 

Tuy nhiên, triển khai công tác này của nhà trường cũng còn không ít khó khăn. Theo đó, một số môn chưa có đủ giáo viên có trình độ chuyên môn cao để đảm nhận công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Giáo viên vừa phải đảm bảo nhiệm vụ dạy đại trà, vừa kiêm nhiệm bồi dưỡng học sinh giỏi khiến họ dễ mệt mỏi và thiếu thời gian đầu tư.

Công việc vất vả, đòi hỏi cao nhưng thầy cô đảm nhiệm nhiệm vụ này thường không có phụ cấp hoặc chế độ khuyến khích xứng đáng, làm giảm động lực. Số lượng học sinh nhà trường ít nên chọn đội tuyển tham gia đầy đủ các môn thường rất khó khăn.

Học sinh vừa phải học chương trình chính khóa, vừa học tăng cường có thể gây quá tải. Một số ít phụ huynh chưa thực sự quan tâm hoặc không tạo điều kiện cho con em tham gia bồi dưỡng…

thcs-luu-van-mot.jpg

Học sinh trong đội tuyển Trường THCS Lưu Văn Mót (Vũng Liêm, Vĩnh Long).

5 giải pháp nâng cao chất lượng

Từ thực tế triển khai tại nhà trường, thầy Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ 5 giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn như sau:

 

Thứ nhất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi. Các việc cần làm là: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn sâu cho giáo viên phụ trách đội tuyển; tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các diễn đàn chuyên môn, chia sẻ tài liệu, học hỏi mô hình hiệu quả; khen thưởng kịp thời giáo viên có học sinh đạt giải cao để tạo động lực phấn đấu.

Thứ hai, phát hiện và tuyển chọn học sinh có năng khiếu từ sớm. Theo đó, tổ chức các cuộc thi nhỏ trong trường để phát hiện học sinh có tố chất ngay từ lớp 6, lớp 7; phối hợp với giáo viên bộ môn để theo dõi, đánh giá sự tiến bộ của học sinh một cách liên tục.

Thứ ba, đổi mới nội dung và hình thức bồi dưỡng. Cụ thể là thiết kế chương trình ôn luyện phù hợp với từng cấp độ học sinh (cơ bản, nâng cao, chuyên sâu); tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học (ứng dụng trí tuệ nhân tạo Chat GPT, Copilot, Gemini, Zalo, tài liệu số, ngân hàng đề trực tuyến); tổ chức thi thử, đánh giá định kỳ để học sinh làm quen với áp lực và cấu trúc đề thi.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - giáo viên - phụ huynh qua việc nhà trường thông báo lịch học, kết quả học tập, rèn luyện của học sinh để phụ huynh cùng theo dõi và hỗ trợ.

Cuối cùng, xây dựng môi trường học tập tích cực, tạo động lực thi đua với việc phát động phong trào thi đua giữa các lớp, đội tuyển; biểu dương gương mặt tiêu biểu, trao thưởng công khai sau các kỳ thi.

Từ thực tiễn khó khăn gặp phải, thầy Nguyễn Minh Tuấn mong muốn nhà nước tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, tài chính và chính sách hỗ trợ cho giáo dục mũi nhọn; có chính sách khen thưởng xứng đáng cho cả học sinh và giáo viên để khuyến khích sự nỗ lực, cống hiến.

 

Cùng với đó, rất cần hỗ trợ từ các tổ chức xã hội: tạo các quỹ học bổng, giải thưởng để động viên học sinh và giáo viên.

Nhà trường đồng thời mong muốn phụ huynh đồng hành, tạo điều kiện và động viên con em mình trong quá trình học tập. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của giáo dục mũi nhọn và khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội vào công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...