Điểm cao… mà lo!
Thế hệ đầu 8X về trước, điểm thi, điểm tổng kết cuối học kỳ và cả năm học từ 7,5 trở lên không phải là nhiều, điểm 9,5 - 10 tương đối ít. Nay thì học sinh các cấp, đa số điểm thi toàn 8-9 và rất nhiều học sinh đạt nhiều môn điểm 10.
Các học sinh trao đổi đề thi (Ảnh minh họa) |
Thấy anh bạn đưa bảng điểm của cậu con trai đang học lớp 9, chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, thấy toàn điểm cao từ 9-10; trong đó điểm 9 chỉ vài môn. Gọi điện chúc mừng, ai dè anh bảo: “Ừ cao thì cao thật đấy, nhưng rất lo”. Lòng hỏi lòng, xưa anh học lớp chuyên toán, thuộc tốp học sinh xuất sắc của trường, con trai hưởng gen bố học giỏi là chuyện đương nhiên, sao lại lo? Nên tò mò hỏi lại: “Điểm cháu cao thế sao phải lo?” thì anh cho hay: Xưa chúng mình đi học, mỗi lần thi cuối kỳ hay kiểm tra giữa học kỳ làm gì có các bộ đề "cho sẵn" để luyện.
Học sao, các thầy cô cho thi như vậy. Kết quả điểm thi phản ánh trung thực năng lực học của mỗi học sinh. Nay thì học quá nhiều, nhưng đến gần thời gian kiểm tra giữa học kỳ và thi, thông thường giáo viên sẽ cho mấy mẫu đề để ôn, luyện và khi kiểm tra, thi thì kiến thức thường rơi vào những mẫu ôn sẵn, kết quả điểm thi khá cao. “Lo là ở chỗ, điểm cao thường do ôn bài tủ, nhưng khi thi tốt nghiệp, đề do Sở ra, không biết các cô, cậu xoay xở ra sao!”, anh nhấn mạnh.
Nghe lời tâm sự của anh bạn, nghĩ cũng có lý, song cũng không hoàn toàn đúng hết. Ngay lớp con tôi học, cá biệt có bạn điểm kiểm tra, điểm thi có những môn chỉ đạt 2,5- 5 điểm! Tuy nhiên, điều không thể chối cãi là một số trường hiện nay vẫn diễn ra tình trạng cho đề tủ để ôn luyện.
Nếu xét góc độ nào đó, việc làm này cũng không sai, vì chỉ là “trắc nghiệm” thi xem năng lực học sinh của mình thế nào. Tuy vậy, xét ở góc độ sư phạm, các thầy, cô không nên ra các bộ đề tủ để học sinh ôn luyện. Biết là vậy, nhưng khi trao đổi với một số người am tường về môi trường sư phạm, họ nói rằng, có đứng lớp mới hiểu nỗi khổ của giáo viên, mà chung quy lại cũng chỉ là hai từ “thành tích”. Trường bị áp lực thành tích với sở, quận, huyện; lớp bị áp lực thành tích với Ban giám hiệu. Trong đó, điểm thi, kết quả học sinh khá, giỏi, xuất sắc trong năm học là “hệ quy chiếu” để đánh giá năng lực, kết quả xếp loại của giáo viên. Không những thế, khi thi, xét tuyển vào lớp 10, điểm học bạ cũng là một trong những kênh quan trọng đối với mỗi học sinh. Áp lực thành tích, áp lực học bạ dẫn đến câu chuyện điểm các môn học, “con đường” dẫn đến điểm thi cao vẫn chưa có điểm dừng…
Nhớ lại trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo cách đây 2 năm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, với ngành Giáo dục phải đổi mới theo hướng “học thật, thi thật, điểm số thật và nhân tài thật”. Vì vậy, hơn lúc nào hết, bản thân ngành Giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu để đổi mới phương pháp dạy, phương pháp tuyển sinh đi vào thực chất, tránh tối đa việc gây áp lực cho cả giáo viên, lẫn học sinh. Trong đó cần có phương pháp đánh giá năng lực giáo viên dựa trên kết quả điểm thi, điểm các môn của học sinh. Có như thế câu chuyện điểm cao mà lo sẽ không còn tiếp diễn. Và vấn đề “học thật, thi thật, điểm số thật và nhân tài thật” mới đi vào cuộc sống!