Logo
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Dạy học trò tuân thủ luật từ bài học "bố đừng vượt đèn đỏ"

Sáng 31/10, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với quận Thanh Xuân tổ chức Lễ hưởng ứng “Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam” năm 2024 tại trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Đồng chí Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tới dự và chia vui với thầy cô giáo, học sinh quận Thanh Xuân.

Đại diện TP Hà Nội và ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô có các đồng chí Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Hội đồng phổ biến pháp luật TP Hà Nội; Nguyễn Quang Tuấn, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội; Trần Lưu Hoa, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội; Vương Hương Giang, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội; Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp; Bùi Huyền Mai, Ủy viên Ban thường vụ thành ủy, Bí thư quận ủy quận Thanh Xuân; Võ Đăng Dũng, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân.

Bài học đạo đức đầu tiên là tuân thủ pháp luật

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban Chấp Hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Chúng ta đã và đang hướng tới xây dựng nền giáo dục phát triển toàn diện. Bên cạnh vai trò là cá nhân, mỗi học sinh còn cần thể hiện trách nhiệm là công dân trong xã hội. Xã hội không tốt đẹp cá nhân sẽ không hạnh phúc.

Dạy học trò tuân thủ luật từ bài học
Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban Chấp Hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhắn nhủ tới thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các con học sinh: Giáo dục phổ thông mới có nhiều nội dung nhấn mạnh và đề cao giá trị cốt lõi của giáo dục là đạo đức.

Ông đề cập tới nhiều chữ “không” trong chiến lược dạy và học thực thi pháp luật trong các nhà trường: Học tập làm theo pháp luật không phải một ngày. Dạy về pháp luật và làm theo pháp luật không phải trong một thời gian ngắn, thực thi pháp luật, nhất là đối với con trẻ không phải một người, cần chung tay và cùng nhau nhắc nhau làm.

Các con học sinh cũng không cần đợi lớn để thực thi pháp luật. Việc này không chỉ có nhận thức mà phải có hành động, trong việc làm, sự tuân thủ. Không chỉ học tập trong nội dung chính khoá mà còn trong các hoạt động tập thể của mỗi nhà trường.

Dạy học trò tuân thủ luật từ bài học
Em Nguyễn Phương Tuệ Anh, học sinh lớp 8A5 trường THCS Thanh Xuân, đại diện các bạn học sinh của quận Thanh Xuân thể hiện quyết tâm thực hiện tốt các quy định của pháp luật ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường

Thực thi pháp luật không cần đợi người khác nhắc, phải cảm thấy xấu hổ khi làm gì đó vi phạm pháp luật. Không đợi thật lớn mới làm theo mà bắt đầu từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày. Khởi đầu của thực hiện pháp luật là các con thực hiện đúng quy định nhà trường, lớp.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhấn mạnh mỗi thầy cô giáo, phụ huynh phải là những tấm gương sáng trong thượng tôn pháp luật để học sinh noi theo.

“Qua ngã tư đèn đỏ, con nhắc không được vượt đèn đỏ nhưng bố cố tình băng qua và buông lời không có công an nên mình vượt đi để kịp giờ, như thế là chúng ta đã không nói đi đôi với làm, không gương mẫu cho các con noi theo" - Bộ trưởng nói.

Dạy học trò tuân thủ luật từ bài học
Bộ trường Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn gửi tặng tặng món quà là những cuốn sách pháp luật tới thầy và trò trường THCS Thanh Xuân

Thực thi pháp luật và các tiết học ngoại khoá

Phát biểu tại Lễ hưởng ứng “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2024 tổ chức tại trường THCS Thanh Xuân, ông Võ Đăng Dũng - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân nhấn mạnh: Thông qua sinh hoạt “Ngày pháp luật”, các cơ quan, đơn vị, các trường học đã phổ biến tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, người lao động và Nhân dân về vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, giúp những chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến gần với người dân.

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho rằng: Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả để việc hưởng ứng Ngày Pháp luật trở thành công việc thường xuyên, là trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh và người lao động trong các nhà trường.

Nâng cao trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh
Đồng chí Võ Đăng Dũng - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân

Các cơ sở giáo dục phải biết lồng ghép pháp luật vào các môn học chính khóa; các giờ ngoại khóa, cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về pháp luật từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tăng cường tuyên truyền tới các em học sinh những quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống ma túy; an ninh mạng; quy định về an toàn giao thông...thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ để các em luôn có ý thức chấp hành nghiêm pháp luật, có những việc làm tốt, hành động đẹp.

Ông cũng đề cập tới việc nghiên cứu các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới phù hợp với Luật Thủ đô năm 2024 đã được Quốc hội khóa 15 thông qua tại kỳ họp thứ 7. Trong đó cần quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên đi học nâng cao trình độ đào tạo trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019; khuyến khích các nhà trường tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế.

Thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, sáng tạo

Tại lễ phát động, nhà giáo Nguyễn Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: Ngày 9/11/1946 là thời khắc lịch sử trọng đại, thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Đó là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I thông qua. Sự kiện này mở ra một nền lập pháp Việt Nam thời đại mới, tạo nền tảng để từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Với ý nghĩa trọng đại, mang tính biểu tượng sâu sắc đó, ngày 9 tháng 11 đã được lựa chọn là "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam".

Dạy học trò tuân thủ luật từ bài học
Nhà giáo Nguyễn Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Nhà giáo Nguyễn Thanh Huyền nhấn mạnh: Mỗi đồng chí cán bộ, giáo viên, nhân viên trường THCS Thanh Xuân luôn chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, học tập và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, Pháp luật. Tăng cường truyền thụ những kiến thức cơ bản về pháp luật, xây dựng văn hoá pháp luật, tạo nền tảng cho học sinh khi ra trường trở thành những công dân tốt. Đồng thời, luôn trau dồi đạo đức, phẩm chất của người giáo viên; học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức. Tài là văn hóa chuyên môn. Đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức... Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con”.

Dạy học trò tuân thủ luật từ bài học
Các em học sinh trình bày những hiểu biết của mình về ngày Pháp luật Việt Nam

Hưởng ứng Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam năm 2024, trường THCS Thanh Xuân đã phát động cuộc thi "Tìm hiểu pháp luật Việt Nam" tới các em học sinh toàn trường. Trải qua vòng sơ loại, nhà trường đã tìm ra được các đội chơi xuất sắc nhất, tuyên truyền về sách pháp luật (Luật Thủ đô, Luật Giáo dục); phòng chống bạo lực học đường, video thực trạng, thông điệp hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam.

Dạy học trò tuân thủ luật từ bài học
Học sinh Trường THCS Thanh Xuân chăm chú theo dõi buổi Lễ hưởng ứng “Ngày pháp luật nước CHXHCN Việt Nam” năm 2024

Thông qua những tiết mục văn nghệ hiện đại, sôi nổi cùng những phần thuyết trình, tuyên truyền đầy thuyết phục, các em học sinh đã hiểu thêm một số nội dung cơ bản về y định của pháp luật, trách nhiệm khi thực thi pháp luật từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

"Trẻ em và học sinh thuộc nhóm tuổi chưa thành niên, từ nhận thức, tâm sinh lý đến hành vi. Vì vậy cha mẹ là người có trách nhiệm rất lớn trong việc theo dõi, quản lý các em. Với quan điểm gia đình và nhà trường cùng làm giáo dục, đích hướng tới là các em học sinh, tất cả các hoạt động đều là sự đồng thuận, tự nguyện, chia sẻ và gắn kết. Chính các bậc phụ huynh, học sinh hiện diện như một thành viên không thể thiếu trong hệ thống giáo dục mỗi nhà trường" - Theo cô giáo Nguyễn Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...