Đa dạng cách thức dạy lịch sử
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Vấn đề đặt ra để học sinh yêu sử, có lòng tự tôn dân tộc, điều quan trọng phải đa dạng hóa cách học và dạy lịch sử.
Tầm quan trọng của lịch sử
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh, lịch sử xét đến cùng là những gì đã đi qua, được con người hiện tại thống kê, thể hiện lại. Lịch sử của mỗi quốc gia có số phận riêng được quyết định bởi đặc điểm địa lý nhân văn và bản lĩnh của dân tộc đó. Lịch sử là “kho chứa”, là sự tích hợp các giá trị và cũng vì thế, lịch sử trở thành một trong những điểm tựa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia trên con đường phát triển.
Các nhà trường đã và đang triển khai nhiều phương pháp giảng dạy môn Lịch sử phù hợp với từng đối tượng học sinh. |
Về tầm quan trọng và những giá trị của lịch sử, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài diễn ca “Lịch sử nước ta” gồm hơn 200 câu lục bát trình bày lịch sử Việt Nam từ thời Vua Hùng dựng nước đến năm 1941. Ngay từ những câu đầu tiên, Bác đã khẳng định vị trí quan trọng của lịch sử dân tộc: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam/Kể năm hơn bốn ngàn năm/Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà”.
Trân trọng lịch sử, tự hào về truyền thống giữ nước của dân tộc, Bác đã dùng những từ ngữ phổ thông, dân dã, dễ hiểu, dễ nhớ để ca ngợi, tri ân, vinh danh các triều đại vua chúa, các đấng anh hùng có tài trị quốc an dân, phát triển đất nước, diệt giặc ngoài thù trong… Bác đã chọn lọc, xác định giới thiệu những nhân vật, những sự kiện chân thực khách quan đủ để khôi phục chính xác bức tranh hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc với những nét cơ bản về truyền thống yêu nước, đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
Tác phẩm là một cách truyền tải lịch sử phù hợp trong điều kiện phần lớn người Việt Nam lúc bấy giờ đều không biết đọc, biết viết. Chính từ những vần thơ ấy, chính hiểu rõ được lịch sử của dân tộc mà lớp lớp người Việt Nam tự nguyện hiến dâng thân xác của mình đi theo cách mạng, đi theo Bác làm nên những thắng lợi mang ý nghĩa thời đại sâu sắc.
“Lịch sử là quá khứ, nhưng quá khứ là một hợp phần tất yếu của hiện tại, không có quá khứ thì cũng không có tương lai. Lịch sử là niềm kiêu hãnh, là khúc tráng ca, là cả những đau đớn và thật sự là bài học kinh nghiệm để thế hệ sau nhận rõ những cạm bẫy, chông gai để không mắc phải sai lầm của thế hệ đi trước… Những bài học lịch sử rất có ích để thế hệ mai sau tỏ lòng kính trọng các thế hệ cha ông đã có công dựng xây Tổ quốc, là cơ sở để các em học sinh tiếp nối niềm tự hào dân tộc nhằm mạnh mẽ hơn trong xây dựng đất nước hiện nay”, Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh bày tỏ.
Thay đổi cách thức dạy và học Lịch sử
Lịch sử là môn học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách, tư tưởng và tinh thần của mỗi người. Tuy nhiên, hiện nay, môn Lịch sử chưa thật sự được coi trọng. Nhiều học sinh chưa hứng thú đối với môn học, thái độ học tập mang tính đối phó, nặng về ghi nhớ máy móc, không hiểu bản chất của sự kiện... Thực trạng trên đặt ra vấn đề mỗi người dạy cần thay đổi một cách tích cực, hướng tới việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời giúp học sinh phát huy năng lực của bản thân, trang bị cho các em kiến thức, kỹ năng để giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống.
Có thể nói, một dân tộc vững mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào nền văn hóa tự cường của họ. Và truyền thống văn hóa có vững mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào tình yêu sử, tình yêu dân tộc nước nhà. Lịch sử là quá khứ, nhưng tồn tại song song với thực tại. Khi chúng ta nhìn về quá khứ, giở lại những trang sử hào hùng của dân tộc, chúng ta có thể viết nên những trang mới cao đẹp hơn, một tương lai sáng lạn hơn với mọi nét văn hóa truyền thống được bảo tồn bằng một tình yêu lịch sử. |
Theo ghi nhận, thời gian qua, các đơn vị, trường học đã và đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy - học môn Lịch sử. Cùng đó, các nhà trường cũng kết hợp các nội dung liên quan đến lịch sử trong nhiều bộ môn khác dưới những hình thức khác nhau để tạo hứng thú cho học sinh.
Chẳng hạn, tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (quận Hà Đông, Hà Nội), các thầy cô giảng dạy bộ môn Lịch sử đã có kế hoạch chuẩn bị bài giảng công phu, chu đáo cả về nội dung lẫn đồ dùng dạy học. Đặc biệt, các thầy cô luôn đổi mới phương pháp dạy học thông qua những sự kiện, mẩu chuyện, hình ảnh minh hoạ giúp học sinh lắng nghe và hiểu tường tận kiến thức, từ đó yêu thích bộ môn Lịch sử một cách tự nhiên.
Cùng đó, nhà trường cũng tổ chức tìm hiểu kiến thức lịch sử qua các tiết chào cờ, sinh hoạt, giáo dục ngoài giờ lên lớp. Giáo viên tìm hiểu, quan tâm đến học sinh trong lớp, nắm được tâm sinh lý lứa tuổi để có sự ứng xử cho phù hợp, biết lắng nghe và thấu hiểu các em, biết khen đúng lúc để kích thích sự ham học của học sinh, tránh gây áp lực cho các em…
“Mỗi bài dạy là một nội dung, một sự kiện, một nhân vật lịch sử, cũng có thể là nhiều nội dung, nhiều sự kiện lịch sử. Qua các sự kiện lịch sử, giáo viên nên liên hệ thực tế để giáo dục học sinh, gắn học đi đôi với hành, giúp học sinh hiểu rõ hơn nội dung bài học. Nhà trường cũng tổ chức các hoạt động tự học, tự nhận thức của học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Thầy cô giao các dự án học tập; hướng dẫn học sinh sử dụng sách giáo khoa, sách bài tập, ghi chép bài. Bên cạnh đó, giáo viên thường xuyên tổ chức kiểm tra đánh giá kết hợp với học sinh tự đánh giá lẫn nhau để tăng hiệu quả học tập môn Lịch sử”, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi Nguyễn Thị Xinh chia sẻ.
Với lợi thế nằm tại trung tâm quận Ba Đình (Hà Nội), mảnh đất linh thiêng hào hoa, giàu truyền thống lịch sử, thầy và trò Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương may mắn có nhiều cơ hội lớn lên cùng với những không gian văn hóa lịch sử quan trọng của cả nước ngay trên địa bàn của mình như: Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội, Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh... Đó là điều kiện thuận lợi để nhà trường thực hiện một cách sáng tạo chủ trương giáo dục truyền thống lịch sử địa phương trong trường phổ thông. Những buổi trải nghiệm đầy ý nghĩa tại Bảo tàng Hồ Chí Minh hay tham gia những không gian văn hóa qua những chương trình tại Hoàng thành Thăng Long, Cột cờ Hà Nội, Lăng Bác, Tòa nhà Quốc hội, Phủ Chủ tịch, tham quan tại nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh...
Những hoạt động kể trên không chỉ mang đến cho các học sinh mà còn cả với đội ngũ giáo viên những trải nghiệm về văn hóa, lịch sử dân tộc tuyệt vời, qua đó nhà trường đã thực hiện tốt sứ mệnh giáo dục của mình để những giá trị lịch sử bền vững muôn đời được trao truyền đến các học sinh theo nhiều cách thức mới mẻ khác nhau và được các em đón nhận một cách tự nhiên nhất, trân trọng nhất.
Dân tộc Việt Nam có bề dày lịch sử hào hùng. Lịch sử tạo nên cốt cách, hình hài của người Việt. Nhờ vào lịch sử, dựa chính vào lịch sử, tôn trọng lịch sử mà dân tộc ta đứng vững không bị đồng hóa và thôn tính. Bởi vậy, đừng để lịch sử bị lãng quên./.