Cơ hội phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đào tạo
Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2024 là một sự kiện quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo. Đây là hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội.
Vào đại học không phải là con đường duy nhất...
Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2024 được tổ chức nhằm triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ, tạo cơ hội gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với các doanh nghiệp trong việc đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp; kết nối doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với người lao động nhằm tư vấn, giới thiệu và giải quyết việc làm; góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố.
Gian hàng của Trường trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội |
Ngày hội đã thu hút khoảng 11.000 người, trong đó có 8.000 học sinh năm cuối cấp tại các trường THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tại 24 quận, huyện, thị xã; và khoảng 3.000 học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động.
Gian hàng của Trường trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội thu hút đông học sinh trải nghiệm kỹ năng nghề. |
Đánh giá cao hiệu quả của chương trình, bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Đây hoạt động tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp thường niên của thành phố, nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của học sinh cấp trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn”.
Năm 2023, Hà Nội đã tuyển sinh đào tạo được cho 246.100 lượt người, vượt 7% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2023 đạt 73,23%, vượt 0,03% chỉ tiêu kế hoạch đề ra... Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hợp tác với gần 1.000 lượt doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức, giải pháp, hoạt động gắn kết với doanh nghiệp.
Các em học sinh trải nghiệm gian hàng của Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội |
Năm 2024, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm của Hà Nội đặt mục tiêu tuyển sinh và đào tạo cho 235.000 lượt người (cao đẳng 26.000, trung cấp 30.000, sơ cấp và dưới 3 tháng 179.000); phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào đạt 74,2%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 54%, giải quyết việc làm mới cho 165.000 lao động.
Học sinh tham quan, trải nghiệm nghề tại gian hàng của Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội |
Năm nay, Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2024 có sự tham gia của 54 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại 73 gian hàng, trực tiếp tham gia tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh cấp THCS, THPT trên địa bàn thành phố; ký kết hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Trưng bày sản phẩm, mô hình thiết bị đào tạo tự làm; trình diễn kỹ năng một số nghề đặc trưng, nổi bật của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Sự đa dạng về chuyên ngành và mức độ phù hợp với thị trường lao động đã giúp tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động và tạo sự gắn kết sâu đậm giữa giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ ngày hội, đã diễn ra các hoạt động như triển lãm sản phẩm nghề nghiệp, trình diễn kỹ năng, hướng dẫn tư vấn tuyển sinh và tìm việc làm, hội thảo và giao lưu trao đổi kinh nghiệm giữa các trường học nghề nghiệp và doanh nghiệp.
Điều này đã tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên và người lao động tham gia trực tiếp vào quá trình tìm hiểu, trải nghiệm và tham gia vào thị trường lao động.
Em Phạm Nhật Vũ, học sinh lớp 9 trường THCS Nguyễn Huy Tưởng chia sẻ: "Tham gia Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô, em hiểu được thêm nhiều ngành nghề "hot" có mức thu nhập cao phù hợp với học lực của em như các ngành nghề Công nghệ ô tô của trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội.
Hiểu hơn về quá trình đào tạo tại các trường nghề, em cũng nhận thấy Đại học không phải là con đường duy nhất. Đối với những học sinh có sức học không tốt, không đủ khả năng để thi vào cấp 3 hoặc thi vào đại học, có thể vào học các trường nghề để vừa được học văn hoá, vừa được học nghề để có thể bước vào thị trường lao động sớm hơn".
Tuyển dụng 3.000 lao động tại sự kiện
Trong khuôn khổ ngày hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức lồng ghép Phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của 50 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng hơn 3.000 chỉ tiêu lao động.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: Trong tổng số 50 doanh nghiệp tham gia, có 30 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ, chiếm 60%. Bên cạnh đó còn có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác như: Sản xuất, du học - xuất khẩu lao động, may...
Sự đa dạng lĩnh vực ngành nghề của các doanh nghiệp đăng kí tham gia Phiên giao dịch việc làm lưu động huyện Đông Anh năm 2024 phù hợp với nhu cầu tìm việc của người lao động địa phương, tạo điều kiện cho người lao động chưa tìm kiếm được việc làm tại huyện Đông Anh lựa chọn được công việc thích hợp với khả năng, có thể gắn bó lâu dài, ổn định đời sống ngay tại địa phương.
Tư vấn giới thiệu việc làm tại Phiên giao dịch việc làm huyện Đông Anh. |
“Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với các trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS, THPT tham gia Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2024, trong đó tư vấn về ngành nghề mà thị trường đang có nhu cầu”, ông Vũ Quang Thành cho biết.
Việc tạo ra mối quan hệ hữu cơ giữa giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp là chìa khóa để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động, đồng thời giúp người lao động có cơ hội tiếp cận với việc làm tốt hơn và đạt được sự phát triển cá nhân và gia đình.